Thông tin do Trung tâm Truyền thông (Bộ GD-ĐT) phát ra trưa 17/8 giải thích một số vấn đề đặt ra của dư luận. Tuy nhiên, trước những "lỗ hổng" đặt ra, cơ quan này chưa chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Bộ chưa cho phép ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2
Bộ GD-ĐT cho biết, theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng 2, việc đào tạo này chỉ được thực hiện ở những cơ sở được sự cho phép của Bộ GD-ĐT với những ngành đã được đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên, đối với Trường ĐH Đông Đô, Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường. Do vậy Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2.
Bộ GD-ĐT chính thức công bố chưa cấp phép cho ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2
Kể từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Do Trường ĐH Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2, nên Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Bộ đã từng kiểm tra nhưng trường xin hoãn
Mặc dù chưa được phép của Bộ GD-ĐT trong đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn ngang nhiên thông báo tuyển sinh một cách công khai.
Thậm chí, trong năm 2017, trường này còn công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước.
Nhiều câu hỏi đặt ra, với trách nhiệm quản lý của mình, tại sao Bộ GD-ĐT lại không phát hiện ra để “tuýt còi” trước những sai phạm của Trường ĐH Đông Đô. Liệu Bộ có thường xuyên thanh tra, giám sát việc đào tạo văn bằng 2 hay không và việc giám sát ấy có thực sự chặt chẽ?
Trước những thắc mắc này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra văn bằng 2 vẫn được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra.
Năm 2011, theo Nghị quyết 50/2010/QH12 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra tại Trường ĐH Đông Đô.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trường này chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, Bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Đông Đô.
Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ tiếp tục xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên, trường này đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra. Lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.
"Thực hiện việc quản lý nhà nước, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn thường xuyên chỉ đạo Thanh tra và các đơn vị chức năng tập hợp, rà soát các vấn đề dư luận phản ánh về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.
Trước khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo văn bằng 2 tại 3 trường là ĐH Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Thành Đô. Việc thanh kiểm tra vẫn được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ", đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đào tạo văn bằng 2 trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (sinh viên, giảng viên, sinh viên trúng tuyển, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo…).
Đây sẽ là công cụ để kiểm tra rà soát, quản lý về đào tạo đại học. Bên cạnh đó, Bộ đang dự thảo văn bản thay thế để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo văn bằng 2 nói riêng.
Thúy Nga
Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
- Các quy định chặt chẽ tại sao vẫn có chuyện Trường ĐH Đông Đô thực hiện hoạt động đào tạo văn bằng 2 trái phép mà Bộ hoàn toàn không hề hay biết?