- Bộ GD-ĐT khẳng định không có quy định "từ chối" bác sĩ nội trú thi tiến sĩ đồng thời cũng chưa nhận được kiến nghị của Bộ Y tế về việc này.

Trước đó, cho rằng quy định của Bộ GD-ĐT từ chối đối tượng là bác sĩ nội trú thi nghiên cứu sinh, Hội đồng Hiệu trưởng Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y dược Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế đồng thuận đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép những người có bằng bác sĩ nội trú được dự xét tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như những người có bằng thạc sĩ.

Sự việc bắt đầu từ Quy định tại Thông tư số 08 ban hành năm 2017 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD-ĐT quy định đối tượng dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ dành cho những người có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên.

{keywords}
Các trường đào tạo y dược cho rằng người có bằng bác sĩ nội trú cần được thi nghiên cứu sinh như những người có bằng thạc sĩ. Ảnh minh họa.

Theo các trường ĐH y dược thì bác sĩ nội trú là những người được đào tạo với khối lượng kiến thức lý thuyết và thực hành nhiều hơn so với số lượng tín chỉ quy định cho đào tạo trình độ thạc sĩ.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH y dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm vừa qua nhưng không được cấp bằng thạc sĩ (do Bộ GD-ĐT cấp).

Do đó, các trường ĐH y dược cho rằng, Bộ GD-ĐT cần cho phép bác sĩ nội trú được dự tuyển tiến sĩ để đảm bảo quyền lợi về học tập và nghiên cứu cho nhóm đối tượng này.

Không “từ chối” bác sĩ nội trú thi nghiên cứu sinh

Trả lời VietNamNet về vấn đề này, ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ hiện hành không “từ chối” nhóm đối tượng bác sĩ nội trú.

Tất cả các bác sĩ nội trú nếu đảm bảo các quy định tại Điều 5 về điều kiện tuyển sinh của quy chế này (có bằng tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ) đều có quyền nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đào tạo tiến sĩ” – ông Việt khẳng định.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế thì những người tốt nghiệp đại học chính quy từ bằng khá trở lên có thể thi bác sĩ nội trú.

Trước câu hỏi, liệu Bộ GD-ĐT có sửa đổi quy chế này theo đề xuất của các trường ĐH y dược hay không, ông Việt cũng cho biết, cho tới hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa nhận được bất cứ đề xuất nào của Bộ Y tế về vấn đề này.

Trong khi đó, trước khi ban hành Thông tư 08 Bộ GDĐT đã rà soát các văn bản liên quan trong đó có Thông tư liên tịch 30/2003/TTLT-BGDĐT-BYT.

Bộ GD-ĐT cũng đã đồng thời công bố công khai dự thảo trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để các cơ sở đào tạo tiến sĩ, các tổ chức xã hội và cá nhân quan tâm có ý kiến góp ý, gửi công văn và xin ý kiến một số bộ, ngành, bao gồm cả Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã có ý kiến góp ý tại công văn 130/K2ĐT-ĐH ngày 22/2/2017” – ông Việt cho hay. “Do đó chúng tôi chưa đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 tại thời điểm này”.

Bác sĩ nội trú vẫn được cấp bằng thạc sĩ nếu đủ điều kiện

Đối với vấn đề hệ đào tạo bác sĩ nội trú của các trường y dược duy trì trong nhiều năm nhưng không được Bộ GD-ĐT cấp bằng thạc sĩ, ông Việt lý giải, từ năm 2003, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 30 hướng dẫn việc chuyển đổi có điều kiện các văn bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và bác sĩ nội trú đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hệ thống giáo dục quốc dân

Điều kiện là thiếu môn gì đầu vào thi môn đó, thiếu môn nào học môn đó, bảo vệ luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ theo quy chế.

Trên thực tế, nếu trường nào đào tạo bác sĩ nội trú nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ vẫn được Bộ GDĐT cấp bằng thạc sĩ khi học viên học bổ sung đầy đủ chương trình đào tạo thạc sĩ và bảo vệ luận văn thạc sĩ (như Trường ĐH Y Dược TP. HCM).

Trong một số cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đề nghị 2 Bộ cần tổng kết và đánh giá toàn bộ việc thực hiện Thông tư 30 nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, việc chuyển đổi từ bác sĩ nội trú sang thạc sĩ vẫn được thực hiện theo thông tư này.

Lê Văn