Bộ GTVT vừa góp ý Dự thảo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế.

Theo Bộ GTVT, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Việt Nam đã đạt ở mức cao, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi là 96,4% và tiêm đủ hai mũi là 76,5%.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31/12 tới phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em.

Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Gần đây, lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ đạo về việc sớm mở cửa đường bay thường lệ quốc tế, tạo điều kiện cho người Việt tại nước ngoài về nước, cũng như cho khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, kinh doanh, làm việc.

{keywords}
Bộ GTVT đề nghị chỉ quy định các điều kiện, tiêu chí về y tế và dịch tễ, không phân biệt giữa đối tượng hành khách vận chuyển theo quốc tịch.

Qua kinh nghiệm thực tiễn tại các nước, chính sách y tế đối với hành khách sau khi nhập cảnh là điều kiện rất quan trọng để thu hút khách quốc tế, là yếu tố quan trọng để cạnh tranh giữa các quốc gia, điểm đến.

Bộ GTVT cho hay, dự thảo của Bộ Y tế hiện chỉ đề cập tới đối tượng là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thân nhân và chưa đề cập tới đối tượng khách quốc tịch nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam để du lịch, kinh doanh, làm việc ...

Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Campuchia ...) đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, Việt Nam rất cần nới lỏng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào làm việc, đầu tư, du lịch... qua đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Do chuyến bay quốc tế thường lệ được mở bán công khai cho tất cả các đối tượng khách, Bộ GTVT đề nghị chỉ quy định các điều kiện, tiêu chí về y tế và dịch tễ, không phân biệt giữa đối tượng hành khách vận chuyển theo quốc tịch.

Nội dung quan trọng này để có thể đàm phán thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại để thực hiện kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Để tránh chồng chéo và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp triển khai thực hiện, Bộ GTVT đề nghị quy định cụ thể và rõ ràng các yêu cầu, biện pháp phòng dịch Covid-19 tại hướng dẫn này, tránh việc tham chiếu đến các văn bản khác.

Bộ GTVT cũng nêu rõ, cần yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm y tế để đảm bảo chi phí chữa bệnh trong trường hợp khách mắc Covid-19 tại Việt Nam; yêu cầu khách cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử/phần mềm quản lý Covid-19 trước khi lên chuyến bay để tiết kiệm thời gian khi nhập cảnh.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị làm rõ quy định đối với đối tượng không sử dụng điện thoại như người già, trẻ em. Cùng đó, cần có quy định cho hành khách nối chuyến đi tiếp - với khách nối chuyến đi tiếp quốc tế, do khách không nhập cảnh vào Việt Nam nên cần chấp nhận và tổ chức khu vực nối chuyến đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Với khách nối chuyến đi tiếp nội địa, do thời gian đầu các chuyến bay sẽ tập trung về Hà Nội, TP.HCM nên để phục vụ nhu cầu khách nối chuyến đi du lịch (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc ...) cần chấp nhận cho khách nối chuyến đi tiếp nội địa.

Vũ Điệp

Khôi phục một số đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022

Khôi phục một số đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022

Từ 1/1/2022 khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ từ San Francisco/Los Angeles - Hoa Kỳ; Bắc Kinh, Quảng Châu - Trung Quốc; Tokyo - Nhật Bản; Seoul - Hàn Quốc; Băng Cốc Thái Lan, Singapore...