Cử tri Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Với vai trò chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Do đó, sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn.
Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác |
Với vai trò chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong thời gian triển khai dự án, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán nhà nước...
Mặt khác, Bộ GTVT đã thuê tư vấn Pháp đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.
Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình; Đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.
Hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, nhưng nhiều lần phải hoãn tiến độ đưa vào khai thác thương mại do vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan.
Năm 2018, Bộ GTVT đặt mục tiêu đưa dự án khai thác thương mại vào tháng 4/2019, nhưng tới nay dự án vẫn chưa xong và chưa hẹn ngày về đích.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc làm Tổng thầu EPC.
Trước đó, Bộ GTVT thừa nhận, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chờ giải ngân vốn, tổng thầu thiếu kinh nghiệm...
Lý do đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể chở khách
Cuối tháng 4 này, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác thương mại. Dự án còn một số hạng mục phải gấp rút hoàn thành.
Vũ Điệp