Phối cảnh dự án sân bay Phan Thiết (Ảnh: Báo Giao thông) 

Theo Bộ GTVT, tại văn bản số 2854/UBND-ĐTQH ngày 2/8/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất chấm dứt hợp đồng BOT và xin chủ trương chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện dự án Cảng Hàng không Phan Thiết.

Trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. 

Do dự án điều chỉnh làm thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư so với dự án được duyệt và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ đã có các thông báo, yêu cầu cần xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy mô mới và quy định hiện hành.

"Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư đã rà soát tình hình thực tế triển khai, điều khoản của hợp đồng. Các bên thống nhất ký văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của hợp đồng", lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Liên quan tới đề xuất chủ trương chỉ định nhà đầu tư thay thế, theo tỉnh Bình Thuận, Cảng hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự), hạng mục hàng không quân sự đang được Bộ Quốc phòng đầu tư và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (từ cấp 4C lên 4E) theo quy hoạch, nếu tổ chức các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định thì sớm nhất đến tháng 8/2024 mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư thay thế để triển khai dự án và dự kiến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng.

Theo Bộ GTVT, như vậy, sẽ không đảm bảo khai thác, vận hành đồng bộ giữa các hạng mục quân sự và dân dụng; ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự.

"Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là có cơ sở", Bộ GTVT nhận định.

Trước đó, ngày 2/8, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án BOT đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông để lựa chọn nhà đầu tư thay thế.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh được chỉ định nhà đầu tư trong nước có năng lực, kinh nghiệm tiếp tục triển khai thực hiện dự án này theo hình thức hợp đồng BOT.