- Người ngoài Đảng, ngoài quy hoạch vẫn có cơ hội thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ nếu được Bộ đề cử.
Trao đổi với VietNamNet về kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ tại một số đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong 2 năm 2017-2018, Bộ sẽ tổ chức thi tuyển 8 chức danh cấp phó, trong đó, 3 chức danh vụ phó sẽ thi vào cuối năm nay.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: T.Hằng |
Trong đợt tuyển dụng lần này, Bộ có mở rộng đối tượng dự thi, tạo cơ hội cho các ứng viên ngoài Bộ Nội vụ, ngoài quy hoạch, ngoài Đảng?
Theo kết luận của Bộ Chính trị, đây là đề án thí điểm nên có nội dung vượt ra ngoài phạm vi quy định hiện nay.
Đối tượng dự thi theo nguyên tắc là phải trong quy hoạch, nhưng không hạn chế trong nội bộ cơ quan đơn vị đó và có thể mở rộng ra các cơ quan đơn vị khác có chức danh tương đương trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực.
Trường hợp ứng viên là người trong nội bộ đơn vị và trong quy hoạch thì bắt buộc phải đăng ký, nếu không đăng ký mà không có lý do theo quy định sẽ bị đưa ra ngoài quy hoạch. Như vậy đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, tìm được nhiều người.
Còn trường hợp không nằm trong quy hoạch thì phải được tập thể lãnh đạo đề cử và cấp uỷ có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý. Tức là Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển thì phải được Bộ Nội vụ đồng ý.
Còn đối với người ngoài Đảng, trong kết luận của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã cho chủ trương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi được tuyển dụng từ 1-2 năm thì có thể bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo cấp phòng và có thể không phải đảng viên.
Ví dụ các em học rất giỏi ở nước ngoài về làm ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, chức phó khoa hay phó phòng nhưng chưa vào Đảng được thì chẳng lẽ lại hạn chế anh em không cho dự thi?
Tránh tình trạng khép kín, cục bộ
Liệu như vậy có “vừa mở, vừa đóng” không khi mà Bộ chính là nơi mở cửa để các thí sinh tham gia dự thi nhưng cũng lại là nơi đề cử đối với những trường hợp ngoài Đảng, ngoài quy hoạch và phải được Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đồng ý?
Không. Phải có người đề cử, có thể tôi đề cử nhưng phải đưa ra tập thể lãnh đạo Bộ để thống nhất và Đảng ủy Bộ có ý kiến bằng văn bản. Nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do.
Đó không phải là đóng hay mở, mà là đảm bảo quy trình kiểm soát và đảm bảo trong cả quá trình thi tuyển đều có sự lãnh đạo của Đảng.
Theo ông, việc thay đổi cách thức tuyển dụng bằng thi tuyển cạnh tranh có ý nghĩa thế nào đối với công tác cán bộ hiện nay?
Thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết, nhằm phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. Trước đây tất cả quy trình tuyển dụng là bỏ phiếu tín nhiệm, có thể cùng bỏ phiếu cho nhiều người rồi chọn người có phiếu cao hơn. Còn giờ thi để chọn người điểm cao nhất, đảm bảo cạnh tranh, công khai minh bạch, chọn người thực sự có tài hơn.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển lãnh đạo. Vừa qua, Ban Tổ chức TƯ cũng tổ chức thi 3 chức danh vụ trưởng. Qua sơ kết, đánh giá việc thi tuyển lãnh đạo của hai cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về cán bộ công chức, trong đó có việc tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.
Tôi dám chắc không có chạy chọt
Liệu việc thi tuyển cạnh tranh có khắc phục được hạn chế trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay, nhất là những nghi ngờ về “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”?
Nguyên tắc của chúng ta là cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, khách quan, và đúng thẩm quyền, đảm bảo tiêu chuẩn. Thi như vậy sẽ tuyển chọn được người xứng đáng nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức.
Hình thức thi bao gồm cả thi viết và bảo vệ đề án, có hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay.
Làm sao đảm bảo thi khách quan trung thực, minh bạch, công khai, không có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, chạy chọt?
Hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã nói rất rõ về hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở có không quá 17 thành viên, còn cấp phòng có không quá 11 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định.
Tôi dám chắc không có chạy chọt, vì nếu ai nhận chạy chọt thì không xứng đáng ngồi ở hội đồng. Một tập thể hội đồng đến 17 người, điểm tính theo trung bình cộng, ai chấm chênh lệch 20% sẽ không được công nhận nên chuyện chạy chọt sẽ khó.
Tất cả thành phần trong hội đồng đều dự ở đó khi ứng viên bảo vệ đề án. Lãnh đạo, cán bộ công chức của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển cũng được ngồi đó và cũng được quyền hỏi và trả lời công khai tại chỗ. Thành viên hội đồng cũng có thể mời các chuyên gia nắm sâu lĩnh vực vào hỏi, tuỳ từng chức danh.
Cả tập thể hội đồng, cả quy trình thi và bảo vệ đề án như thế, tôi dám chắc đảm bảo khách quan hơn rất nhiều so với hiện nay. Tất nhiên khi làm cái mới thì có ý kiến này, ý kiến kia là bình thường.
Ban Tổ chức TƯ chọn được 3 vụ trưởng qua thi tuyển
Sáng nay, Ban Tổ chức TƯ công bố kết quả thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp vụ. 3/12 thí sinh đã trúng tuyển chức vụ trưởng.
Bộ Nội vụ bắt đầu nhận hồ sơ thi tuyển 3 Vụ phó
Sau Ban Tổ chức TƯ, đến lượt Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển 3 Vụ phó. Sau đó, Bộ thi tuyển tiếp 5 chức danh cấp phó.
Quyết định nhân sự tại Văn phòng Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
19 thứ trưởng được Trung ương luân chuyển giờ ra sao?
19 thứ trưởng và tương đương được TƯ luân chuyển, đến nay có 9 người được vào TƯ khóa 12, người làm bí thư tỉnh ủy, người giữ chức bộ trưởng.
Quảng Ninh bổ nhiệm 89 lãnh đạo thông qua thi tuyển
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Đức Long cho biết, tỉnh đã bổ nhiệm thông qua thi tuyển 89 chức danh lãnh đạo, quản lý.
Hà Nội chuẩn bị thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng
Hà Nội sẽ nghiên cứu, thí điểm một số đề án, mô hình mới, trong đó có thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, phòng.
Thu Hằng