Bộ NN-PTNT vừa có công văn yêu cầu chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng (LMLM) khi địa phương này để dịch xảy ra tại 15 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn.
Dịch lở mồm long móng: Cảnh báo nguy cơ ngày cận Tết
Cụ thể, trong công văn Bộ này gửi chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ, kết quả kiểm tra thực tế các Đoàn công tác của Cục Thú Y (vào ngày 06, ngày 23 và 24/12), cũng như phản ánh của nhiều cơ quan truyền thông và báo cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, dịch LMLM đã và đang xảy ra tại 15 xã thuộc 4 huyện gồm: Quốc Oai, Ba Vì, Đan Phương và Thường Tín buộc phải thiêu huỷ 821 con gia súc.
Mặc dù các cơ quan thú y và chính quyền cơ sở đã tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch nhưng do chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa kiểm soát được dịch bệnh nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao; đe doạ phát triển chăn nuôi gia súc của thành phố, ảnh hướng đến an toàn thực phẩm, gây tổn thất về kinh tế.
Bộ NN-PTNT yêu cầu Hà Nội rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay công tác phòng, chống dịch LMLM tránh nguy cơ bùng phát |
Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đặc biệt để nhanh chóng tổ chức kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các cấp liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM theo đúng quy định tại Luật Thú y và các văn bản của Bộ này.
Theo đó, đối với các huyện đã và đang có ổ dịch LMLM cần khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới. Ngoài ra, cần tổ chức tổng vệ sinh, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc cho các xã đã, đang có dịch và các địa phương có nguy cơ cao; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định.
Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thực hiện công bố dịch và tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật thú y hiện hành; bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên địa bàn…
Đối với các huyện chưa có dịch nhưng trong diện nguy cơ cao, đề nghị chính quyền, cơ quan thú y cần chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; thực hiện lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có thẩm quyền xét nghiệm xác định chính xác các chủng virus LMLM gây bệnh để tổ chức tiêm phòng có hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.
Bên cạnh đó cần rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa phương có nguy cơ cao; củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, bảo đảm chính xác và kịp thời. Đồng thời phải tăng cường kiểm soát công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
B.H