- Một "bộ phận không nhỏ" đảng viên suy thoái, biến chất đã được đề cập từ Đại hội 10 nhưng đến nay việc xử lý còn là vấn đề, chưa vạch mặt chỉ tên được ai trong "bộ phận không nhỏ" đó.
Tại hội nghị đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 sáng 4/10, ông Lù Văn Que, ủy viên đoàn Chủ tịch băn khoăn về "một bộ phận không nhỏ" đảng viên suy thoái, biến chất được nhắc đi nhắc lại, kể từ khi được đề cập tại Đại hội 10. "Một bộ phận không nhỏ" ấy đến nay, theo ông, vẫn chưa vạch mặt chỉ tên được ai.
Ông Lù Văn Que: 'Bộ phận không nhỏ chưa vạch mặt chỉ tên ai |
Nhìn rộng ra vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng 12, ông kỳ vọng phải đảm bảo dân chủ để bầu được các ủy viên TƯ Đảng có đủ tiêu chuẩn.
Băn khoăn của ông Lù Văn Que xuất phát từ việc hiện nay không có cơ chế cho dân góp ý vấn đề nhân sự của Đảng. Ông dứt khoát hệ thống phải đảm bảo "mạnh, sạch, vững" bởi đây là sinh mệnh của Đảng.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Tráng A Phao cũng đồng tình "một bộ phận không nhỏ" thực tế đã được đề cập từ Đại hội 10 nhưng xem ra việc xử lý còn là vấn đề. Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ VN Lê Truyền băn khoăn việc chuẩn bị nhân sự dân không được tham gia góp ý liệu có đảm bảo?
Ông Lê Truyền: 'Chuẩn bị nhân sự, dân không được góp ý liệu có đảm bảo? |
Ông lưu ý nhiều biểu hiện không nhận thức đúng quyền lực. Nhiều người nắm quyền thay dân nhưng biến thành quyền của chính mình gắn kết với lực lượng có tiền biến thành sức mạnh rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó là sự biến tướng của nạn chạy chức chạy quyền. Từ đây, ông Lê Truyền thúc giục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực. Nếu không kiểm soát quyền lực thì những khuyết điểm không thể khắc phục.
Ông Nguyễn Túc nêu thực trạng Đại hội 7 chỉ mới xuất hiện “một số” cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất thì đến Đại hội 8 đã xuất hiện “một bộ phận không nhỏ”, rồi qua Đại hội 9, cho đến Đại hội 10 thì số đảng viên bị kỷ luật tăng gấp đôi so với đại hội 8 và 9. Và "một bộ phận không nhỏ" không biến mất.
"Có nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố chính là do dân làm chủ chưa được phát huy", ông Túc phân tích.
Cán bộ bỏ 70 tỷ mua nhà, tiền ở đâu?
Ông Tráng A Pao đề nghị Đảng phải nhìn nhận nghiêm túc việc phòng chống tham nhũng, trong đó có việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập của cán bộ, đảng viên và người thân. Và quan trọng phải có giải pháp để thẩm định, kiểm tra, giám sát xem việc kê khai.
"Có người kê khai chỉ mấy nhà nhưng thực tế lại có rất nhiều nhà. Chúng tôi biết có ông cán bộ bỏ đến 70 tỷ mua nhà ở Hà Nội. Tiền đấy ở đâu ra, có phải tham nhũng không, vì lương anh làm sao mà mua được”, ông dẫn chứng và cho rằng tất cả những điều này, người dân đều biết, nhưng không dám tố cáo, phản ánh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình bức xúc tình trạng nhũng nhiễu. “Xin con dấu ra phường xã thì nay đồng chí này đi vắng, mai đồng chí kia đi vắng nhưng có phong bì là xong. Một ông văn thư có thể làm tiền được”, ông nói.
Rồi thực trạng lãng phí, phô trương hình thức phổ biến, không ai chịu trách nhiệm và tất cả trong bộ máy đều có. “Các đoàn đi nước ngoài, có những người đi chẳng để làm gì. Chỉ cần bớt người, bớt ngày đi đã tiết kiệm được bao nhiêu”.
Thu Hằng - Ảnh Hoàng Long