Bộ sách kinh điển bao gồm những tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ lịch sử, chính trị, luật pháp, văn hóa, văn chương… đã ra đời từ rất lâu ở cả phương Tây và phương Đông nhưng giá trị của nó vẫn trường tồn và đã được khẳng định theo thời gian.
Bộ sách kinh điển bao gồm 9 tác phẩm. Trong đó, 2 tác phẩm mua mới bản dịch là Bàn về khế ước xã hội và Bàn về tinh thần pháp luật, đây là 2 bản dịch của dịch giả Hoàng Thanh Đạm. 7 cuốn còn lại là các ấn phẩm tái bản có sửa chữa, thay đổi thiết kế bìa và trình bày.
Điểm đặc biệt của bộ sách là tính hệ thống cả ở nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, bìa sách được thiết kế theo phong cách mới, không theo lối hàn lâm mà gần gũi hơn với độc giả trẻ.
Bàn về khế ước xã hội và Bàn về tinh thần pháp luật được coi là bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc cách mạng tư sản 1789. Ngày này, những người theo học ngành Luật thường bắt đầu bằng việc đọc bộ đôi tác phẩm Kinh điển này.
Sử thi Iliad và Odyssey của Đại thi hào Homer được GS Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp, chính là 2 thiên sử thi kinh điển và là cột trụ của văn minh phương Tây. Qua chuỗi dài lịch sử đã tạo cảm hứng cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, thi ca cho đến tiểu thuyết, kịch nghệ, âm nhạc.
Cộng hòa, GS Đỗ Khánh Hoan dịch, tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là tác phẩm có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tư duy của triết học và lý thuyết chính trị suốt hơn 2.000 năm qua. Có người còn cho rằng nếu mang tất cả các sách vở trên đời ra đốt hết thì cũng không hề hấn gì, ngoại trừ quyển Cộng hòa.
Chính trị luận – Aristotle, Nông Duy Trường dịch, được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Tác phẩm nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền, từ đó định hình các quốc gia và chính phủ.
Quân Vương – Niccolò Machiavelli, Vũ Thái Hà dịch, bàn về khoa học chính trị. Đây là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều thế hệ chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1513 nhưng mãi đến năm 1532, ấn bản đầu tiên mới được chính thức xuất bản dưới sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII.
Ngày cuối trong đời Socrates – Plato, Đỗ Khánh Hoan dịch, tập hợp bốn cuộc đối thoại, ghi lại thời khắc cuối đời Socrates và những lời biện giải đanh thép của ông. Cuốn sách do người học trò xuất sắc Plato viết đã khắc họa lại hình ảnh con người, tư tưởng cũng như nhân cách của Socrates.
Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế - Arrian, An Khánh dịch, là tác phẩm quan trọng nhất của Arrian, không một ai từng viết về Alexander Đại đế nhiều và thuyết phục hơn ông.
Tình Lê