Anh Tang (44 tuổi ở Lễ Lăng, Hồ Nam, Trung Quốc) kết hôn với chị Fu vài năm trước và sinh được con gái 3 tuổi.

Trong một cuộc tranh cãi, người vợ vô tình tiết lộ con gái không phải con Tang. Lời nói trong lúc tức giận của vợ khiến Tang nghi ngờ. Anh đi xét nghiệm thì nhận kết quả không phải con mình. "Tôi đã rất sốc và sụt 15kg", Tang chia sẻ.

Sau khi bình tĩnh lại, Tang quyết định đệ đơn ly hôn. Tuy nhiên tòa án bác đơn của anh cuối tuần trước, với lý do "nên cho nhau một khoảng thời gian để sửa chữa mối quan hệ, điều này tốt hơn cho sự ổn định xã hội và hòa hợp gia đình".

Quyết định này phù hợp với quy định "hạ nhiệt ly hôn" - được chính phủ Trung Quốc đưa ra để ngăn chặn "ly hôn bốc đồng". Quy định yêu cầu các cặp vợ chồng phải đợi 30 ngày sau khi nộp đơn để "suy nghĩ lại".

Chia sẻ với báo giới, anh Tang cho biết vô cùng bàng hoàng khi "nuôi con tu hú" 3 năm qua. Chị Fu lại nói rằng chính chồng đã bảo mình "mượn tinh trùng" vì họ không thể thụ thai. "Tôi đã thử và nhanh chóng thành công... Tôi không biết liệu con gái có phải là của anh ấy hay không", Fu nói.

Fu đồng ý chia tay, nhưng với điều kiện có quyền sở hữu duy nhất đối với căn hộ của họ, do cả cô và Tang đứng tên nhưng mua bằng tiền của cha mẹ cô. Anh Tang không đồng ý nên nhờ tòa xử lý.

ngoai-tinh.jpg
Bố sốc, sụt 15kg khi phát hiện con gái không cùng huyết thống. Ảnh minh họa: P.X

Vụ việc đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng. Nhiều người đặt câu hỏi làm thế nào mà một mối quan hệ như vậy có thể cứu vãn.

Wu Jiezhen, một luật sư ly hôn tại Quảng Châu, cho biết quy định mới có thể ngăn một số ít cặp vợ chồng chia tay bốc đồng, nhưng cũng có thể khiến một số người xem xét lại các thỏa thuận mà họ đã đạt được trước đó.

"Trên thực tế, trong giai đoạn nguội lạnh này, mọi người không thay đổi suy nghĩ về cuộc chia tay mà thay đổi suy nghĩ về cách nên phân chia tài sản và nuôi dạy con cái", Wu nói. Do đó, nhiều vụ ly hôn vốn hoàn tất trong quá khứ có thể ra tòa trong tương lai và gây ra nhiều tranh chấp, mất thời gian, tiền của hơn.

Điều cần cân nhắc trước khi ly hôn

Con cái thiếu vắng sự chăm sóc của bố hoặc mẹ

Khi vợ chồng ly hôn, cuộc sống của hai người sẽ bớt nặng nề nếu không có con cái. Còn lại, đa phần các cặp vợ chồng khi chia tay đều phải nghĩ tới chuyện con cái sẽ ra sao khi bố mẹ ly hôn.

Nếu có một đứa con chung, con sẽ thường sống với mẹ, lúc này sự ảnh hưởng từ người cha sẽ giảm bớt nếu cha không thường xuyên tới thăm hoặc thể hiện sự quan tâm. Nếu có từ hai con trở lên, tòa có thể phân chia mỗi người nuôi dưỡng một bé.

Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào thì những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường phải đối diện với những khủng hoảng về tinh thần, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ với bạn bè và với chính bản thân khi thấy gia đình không hạnh phúc.

Chia đôi tài sản

Theo luật ly hôn thì khi ly hôn, tài sản được hình thành trong hôn nhân sẽ được chia làm hai (trừ các trường hợp chứng minh được là tài sản riêng, vợ hoặc chồng không có đóng góp trong việc hình thành tài sản đó).

Điều này cũng chỉ ra rằng bạn sẽ mất đi một nửa tài sản, chỉ còn lại một nửa để ổn định cuộc sống mới, đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất thêm thời gian làm việc để có thể tái thiết lại tài sản đã mất sau khi ly hôn.

Mất thời gian dài để ổn định tâm lý

Khủng hoảng trước và sau ly hôn đều xảy ra với bất cứ cặp vợ chồng nào. Trước khi ra quyết định ly hôn, bạn làm mọi cách để nhận được phán quyết của tòa, nhưng sau khi ly hôn dù là đàn ông hay phụ nữ đều rơi vào một chu kỳ khủng hoảng tâm lý sau ly hôn.

Những xáo trộn khi phải bắt đầu lại cuộc sống độc thân, với những trách nhiệm cho bản thân, con cái, các vấn đề liên quan đến nơi ăn chốn ở và đối diện với những câu hỏi từ người thân, bạn bè về tình trạng của mình khiến nhiều người rơi vào trạng thái nhẹ thì căng thẳng, nặng thì trầm cảm.

Ly hôn không phải là giải thoát để tìm kiếm tự do tuyệt đích như nhiều người vẫn nghĩ.

Mất niềm tin vào hôn nhân

Song hành với trạng thái khủng hoảng tâm lý sau ly hôn, đàn ông hoặc phụ nữ sau ly hôn thường có tâm lý sợ kết hôn, coi thường hôn nhân và thậm chí chỉ cần nhắc đến hai từ này đã cảm thấy sợ hãi.

Đây là trạng thái thường thấy của những cặp đôi từng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Gánh nặng kinh tế khi nuôi con

Sự thật là khi tòa phân xử chuyện người không chăm sóc sẽ phải chu cấp hàng tháng để phụ người còn lại nuôi con, thế nhưng không phải người cha (thậm chí là người mẹ) nào cũng có trách nhiệm thực hiện điều đó.

Đa phần, người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái sẽ phải chịu gánh nặng này. Ngoài những câu hỏi của con về tình trạng của cha mẹ, phải quan sát diễn biến tâm lý để đồng hành với con khi cha mẹ ly hôn thì người nuôi dưỡng còn phải kiếm tiền để lo cho cuộc sống hàng ngày.

Điều đó quả thực không dễ dàng gì, khi mà hai vợ chồng còn chung lưng đấu cật thì khả năng tài chính vẫn còn được san sẻ, nhưng khi chỉ còn lại bạn và những đứa con, điều này sẽ khiến bạn chông chênh và gặp nhiều căng thẳng về tâm lý.

Ly hôn là chuyện cực chẳng đã, cuộc sống luôn tiềm ẩn những nguy cơ không thể lường trước, nhất là hôn nhân hiện đại với nhiều vấn đề bất cập, tồn đọng.

Để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế và tâm lý nếu chẳng may phải ly hôn, các cặp vợ chồng nên có những khoản tiết kiệm dự trù của cá nhân, bởi nguyên nhân lớn nhất mà mọi người thường gặp căng thẳng sau khi ly hôn, chính là áp lực kinh tế.

Theo Sức khỏe và Đời sống