Showroom gỗ trầm triệu USD của ông vua trầm đất Bắc

Báo Dân Việt cho biết, showroom đồ gỗ trầm hương này của một đại gia ở quận Thanh Xuân - Hà Nội. Có những khối trầm trị giá lên đến cả triệu USD, được nhận định là có một không hai ở Việt Nam. Đặc biệt, mỗi vật phẩm đã qua chế tác chỉ có một bản độc nhất vô nhị. Đại gia này chia sẻ, để có những khối trầm hương trên, anh phải mất hơn 20 năm sưu tầm và tốn không biết bao nhiêu tiền của.

{keywords}
Bốn cây trầm khủng có giá hàng triệu USD được nhận định là có một không hai ở Việt Nam (Ảnh: Dân Việt)

Trầm hương được đánh giá là một trong những vật phẩm quý giá bởi mùi hương tự nhiên, mộc mạc, linh thiêng và quý phái. Theo chia sẻ của ông vua trầm đất Bắc, không phải cứ có tiền và muốn mua là được trầm hương mà còn phải có duyên.

Dân kéo đến xem buồng chuối hơn 100 nải ở Hương Sơn

Cách đây hơn 4 tháng, cây chuối của gia đình anh Phan Thế Anh (Hương Sơn - Hà Tĩnh) bắt đầu trổ bắp và phát triển. Mỗi nải có từ 8-10 quả, mỗi quả dài 3-5 cm. Hiện hoa chuối tiếp tục cho ra các nải khác và kéo sát gần mặt đất. Do buồng chuối quá dài và nặng, thân cây yếu, quả lại sắp áp sát mặt đất nên gia đình anh Anh đã đóng cọc gỗ xung quanh để chống đỡ.

Hiện tượng kỳ lạ này đã thu hút đông đảo người dân hiếu kỳ đến xem, chiêm ngưỡng và chụp ảnh.

Cây thông Noel độc lạ từ cành củi khô

Thị trường cây thông tươi, thông giả với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng đang tấp nập người mua bán. Đáng chú ý, lễ Giáng sinh năm nay xuất hiện những cây thông làm bằng cành củi khô. Bàn tay khéo léo của con người đã biến những cành củi khô khốc, mộc mạc, thiếu sức sống thành những cây thông gỗ mới lạ, sáng tạo, đẹp mắt, khiến nhiều người tò mò, thích thú tìm mua.

{keywords}
Những cây thông làm bằng gỗ đang là mặt hàng hút khách.

Loại thông gỗ này đang là hàng hot trên thị trường, nhiều cửa hàng phải thông báo “cháy hàng” vì không làm kịp. Giá của những cây thông gỗ này khá đắt đỏ, từ 500.000 đồng đến 7,5 triệu đồng/cây tuỳ loại.

Quán phở xào bột đao độc nhất phố cổ ngày bán hơn 300 đĩa

Báo Dân Việt cho biết, quán phở xào ở Bát Đàn đã 3 đời nối nghiệp với công thức gia truyền. Sau hàng chục năm phát triển, đến nay quán vẫn chỉ có 1 cơ sở ở Bát Đàn và duy trì cửa hàng, hình thức phục vụ theo lối truyền thống.

Điểm làm nên thương hiệu của tiệm phở Bát Đàn là món phở xào bột đao “độc nhất vô nhị”. Khác với phở nước coi trọng cái thanh của nước dùng, phở xào ngon phải có sự hài hòa giữa bánh phở, rau thịt và bột đao. Nước sốt từ bột đao của phở xào Bát Đàn ghi điểm bởi sự lạ miệng, độc đáo. Mỗi đĩa phở bò xào có giá khoảng 70.000 đồng. Mức giá này tương đối cao so với mặt bằng chung nhưng mỗi ngày quán vẫn bán hết từ 300-400 đĩa, khách hàng tới ăn phải xếp hàng như thời bao cấp.

Món nộm vỉa hè có tên độc nhất Hà Nội, công thức bằng cây vàng


Món nộm có tên "độc" nhất Hà Nội

Quán nộm "tá lả" đầu phố Hàng Bún đông đúc vào mỗi chiều tối. Chủ quán là ông Đỗ Trọng Việt (Nhật Tân, Hà Nội) thừa kế nghề gia truyền đã gần 40 năm. Ban đầu, bố mẹ ông chỉ bán nộm bò khô và lá lách, đến năm 1985, họ mới bán thêm nội tạng bò và tên gọi nộm "tá lả" cũng ra đời từ đó. Món nộm này được làm từ 10 loại nội tạng kèm đu đủ nạo sợi, rau thơm...

Một trong những "chất gây nghiện" của món nộm này là những nhánh tỏi chiên giòn tan, xôm xốp và cay. Nhiều người hỏi mua lại công thức làm món tỏi nhưng trả bao nhiêu tiền cũng không mua được. Ông Việt kể trên Báo Dân Trí: Năm 1992, từng có người hỏi giá mua công thức làm tỏi chiên với giá là 1 con xe Dream Thái tương đương cả cây vàng nhưng bố ông không bán.

Nhà cổ bằng đá quý ở Ninh Bình, nhà dát vàng giữa lòng Tây Đô

Theo Báo Dân Việt, ngôi nhà cổ với kiến trúc có một không hai này tọa lạc ở thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngôi nhà được xây cách đây hơn 100 năm trên khu đất rộng khoảng 300m2 với tường vách, cột kèo, sân cổng làm bằng đá xanh nguyên khối, theo lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 gian 2 chái.

Chủ nhân của ngôi nhà độc đáo này phải kết bè chuối chở đá từ trong núi ra và huy động khoảng 30 người làm thủ công trong 2 năm mới hoàn thành. Từng họa tiết khắc trên đá rất tỉ mỉ, công phu. Tất cả các chi tiết của ngôi nhà đều được làm thủ công và ghép nối với nhau bằng mộng mà không hề sử dụng chất kết dính.

{keywords}
Các vật dụng trang trí nội thất, đồ lưu niệm... đều được dát vàng (Ảnh: Tiền Phong)

Trong khi đó, Báo Tiền Phong cho biết, ở giữa lòng Tây Đô (trung tâm thành phố Cần Thơ), có một ngôi nhà được thiết kế vô cùng độc đáo với trang trí bên trong từ hiện đại đến cổ điển đều được dát vàng khiến nhiều người thích thú. Ngôi nhà được sử dụng nhiều mẫu gạch men mạ vàng với nhiều màu sắc được nhập khẩu từ nhiều nước. Các vật dụng trang trí nội thất, những công cụ, những vật dụng gia đình, đồ lưu niệm... đều được dát vàng, tạo nên một không gian ấn tượng.

'Độc nhất vô nhị' quán cà phê toàn đồ bỏ đi mà quý như vàng

Theo Dân Việt, quán cà phê Son nằm cạnh UBND phường An Phú TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) có một không gian khác biệt và "độc nhất vô nhị", làm ai cũng ngạc nhiên và thích thú.

Quán được xây dựng toàn bằng đá tổ ong (loại đá cứng chắc, nằm ở độ sâu dưới lòng đất khoảng vài mét, được đào thủ công bằng tay). Để xây được ngôi nhà bằng đá ong, chủ quán cà phê phải tốn thời gian gần 3 năm để sưu tầm đủ số lượng đá ong.

Đặc biệt, những thứ đồ bỏ đi, nhất là sản phẩm nhà nông được ông chủ mua và sưu tầm về trang trí trong quán. Chính những thứ đồ phế thải này đã giúp quán cà phê rất đông khách và là địa điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Cây thông 200 năm tuổi, sanh cổ quý hiếm, giá tiền tỷ

Tại triển lãm cây Bắc Ninh vừa diễn ra, có rất nhiều cây cảnh quý hiếm từ khắp mọi miền đất nước hội tụ. Trong đó có một cây thông được đặt tên "Vạn niên tùng" dáng thế trực hoành, cành đổ bạt phong xuất xứ từ rừng Chí Linh (Hải Dương) thu hút sự chú ý của mọi người. Chủ nhân tiết lộ, có một nữ đại gia Hà Nội trả gần 4 tỷ đồng nhưng ông không bán.

{keywords}
Cây thông 200 năm tuổi (Ảnh: Dân Trí)

Trong khi đó, cây sanh cổ có tên “Đài sen” của anh Lưu Quang Hưởng (Từ Sơn, Bắc Ninh) được giới chơi cây đánh giá rất cao về độ nghệ thuật, độ già cũng như giá trị kinh tế. Cây sanh được làm theo lối cổ của các nghệ nhân xưa, tay cành uốn chứ không cắt giật như bây giờ, bông tán theo lối tản vân, nhìn từ trên xuống không có kẽ hở. Chủ nhân cho biết, năm 1990 cây được bán với giá 7 triệu đồng. Hiện cây sanh được giới chơi cây cảnh định giá trên 10 tỷ đồng.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)