Nguồn tin riêng của PV.VietNamNet cho hay, Thanh tra Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem). Trong đó, việc quản lý vốn đầu tư xây dựng của Vicem được Thanh tra Bộ Tài chính đặc biệt lưu tâm.

Dự án nghìn tỷ phải tạm dừng, chờ chuyển nhượng

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận thanh tra này là liên quan việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại Vicem.

Đặc biệt, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra 6 dự án đầu tư chưa phù hợp với thực tế và ngành nghề kinh doanh, dẫn đến phải dừng thực hiện để chuyển nhượng, thoái vốn. Điển hình là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem.

Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.952 tỷ đồng, nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng (tăng thêm gần 800 tỷ đồng).

{keywords}
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm ở vị trí đất vàng, mặt đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Xuân Hải

Dự án nhằm xây dựng trung tâm điều hành hoạt động của Vicem kết hợp với việc kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại. Đến ngày 30/6/2017, giá trị nghiệm thu dự án là gần 1.200 tỷ đồng, giá trị thanh toán là trên 1.200 tỷ đồng (do ứng trước tiền theo hợp đồng nhưng khối lượng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán).

Từ năm 2015, Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác, nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.

Ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án.

Nguyên nhân, theo báo cáo của Vicem, là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội, giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng.

Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Mặt khác, theo chủ trương của Chính phủ, việc đầu tư ra ngoài ngành doanh nghiệp phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, và DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, từ năm 2015, Vicem đã xúc tiến và báo cáo Bộ Xây dựng xin chuyển nhượng dự án.

Một dự án khác đang tạm dừng triển khai là dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy. Mục đích của dự án là xây khu nghiên cứu phát triển, văn phòng làm việc, cơ sở nghiên cứu đào tạo, kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại,... Đến 30/6/2016, giá trị khối lượng nghiệm thu là hơn 67 tỷ đồng. Song đáng chú ý là đến tháng 7/2017, tổng công ty vẫn chưa được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư và dự án đang tạm dừng triển khai thực hiện.

Dự án khác trong tình trạng tạm dừng là dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nhà máy xi măng Bình Phước.

Dự án được HĐQT Công ty xi măng Hà Tiên 1 phê duyệt. UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt thu hồi hơn 400 ha đất của các hộ dân giao cho công ty thực hiện dự án; đồng thời, tỉnh ra 14 quyết định phê duyệt giá trị đền bù giải phóng mặt bằng với tổng giá trị là hơn 170 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho biết: Mặc dù dự án đang trong quá trình lập báo cáo khả thi và chưa được phê duyệt, nhưng công ty đã thực hiện chi. Tổng chi phí đã chi từ năm 2010 đến thời điểm hết năm 2016 là hơn 200 tỷ đồng.

Đáng nói, dự án đang trong giai đoạn lập báo cáo khả thi và chưa được phê duyệt nhưng phải dừng thực hiện.

{keywords}
Hồi đầu năm, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại Vicem.

Nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ

Tính đến 30/6/2017, Vicem và các đơn vị được thanh tra có 15 dự án, với tổng mức đầu tư lần đầu là hơn 14.600 tỷ đồng. Sau đó, số vốn này được điều chỉnh lên hơn 17.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có 3 dự án chậm triển khai dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư số tiền là gần 1.500 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 792 tỷ đồng, từ khoảng 1.952 tỷ đồng lên 2.743 tỷ đồng.

Dự án dây chuyền xi măng Hà Tiên 2.2 điều chỉnh tăng thêm 646 tỷ đồng (từ hơn 3.000 tỷ lên 3.686 tỷ đồng).

Dự án mỏ đá vôi Áng Rong (xi măng Hoàng Thạch) điều chỉnh tăng thêm 55 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Vicem, tổng mức đầu tư tăng nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thực hiện triển khai dự án còn chậm dẫn đến đơn giá nhân công, vật tư, thiết bị trượt giá và chi phí thuê đất tăng phải điều chỉnh và phải bổ sung thêm khối lượng do tính thiếu theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Các chi phí thay đổi theo tỷ lệ dẫn đến cũng thay đổi theo, từ đó phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư.

Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính cũng cho hay, có 8 dự án chậm tiến độ từ 1 năm đến 6 năm, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Nguyên nhân dừng thực hiện, theo báo cáo của Công ty xi măng Hà Tiên 1, là Hội đồng quản trị có nghị quyết phê duyệt dừng dự án để chuyển nhượng vì dự án thuộc lĩnh vực bất động sản không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Mặt khác dự án nhà ở có quy mô trên 100 ha phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

Vì vậy, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng chậm triển khai dự án, nhất là các dự án phải dừng không tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện, tránh lãng phí vốn nhà nước. Có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn dở dang, đảm bảo thời hạn hoàn thành theo phương án đã phê duyệt tại công ty mẹ - tổng công ty và các đơn vị được thanh tra.

Lương Bằng