Theo Bộ Tài chính, đến nay Chính phủ chưa ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng Thông tư hướng dẫn (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, phát thanh truyền hình) theo quy định tại Nghị định 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập.

Về vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, Điều 22 Nghị định 16 ngày 14/12/2015 của Chính phủ quy định trách nhiệm của các Bộ, địa phương: các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ các quy định tại Nghị định này xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.

Đến nay, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành 2/8 Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực (Nghị định 54 ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ công lập và Nghị định 141 ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác).

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 90 ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Thông tư 145 ngày 29/12/2017 hướng dẫn cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 141.

Đối với kế hoạch ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp dự thảo, trình Chính phủ.

Cũng theo Chinhphu.vn, thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Đảng; các Nghị quyết của Chính phủ và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại thông báo 252 ngày 22/7/2019 về sửa đổi Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ, Bộ Tài chính thông tin về định hướng xây dựng các chính sách liên quan đến việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.

Theo đó, tại Nghị quyết 39 ngày 11/6/2019 của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực, thay thế Nghị định 16 năm 2015.

Đến nay, Bộ Tài chính đã có các công văn 8030 ngày 12/7/2019 và 8815 ngày 1/8/2019 lấy ý kiến một số Bộ chuyên ngành về nội dung dự thảo Nghị định và đề nghị cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đặc thù của lĩnh vực.

Để tạo điều kiện cho Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ các vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện Nghị định 16 năm 2015 và đề xuất hướng giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến đề xuất về nội dung trên gửi Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Nghị định, trình Chính phủ trong năm 2019.

Bộ Tài chính nêu rõ, các vấn đề liên quan đến tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng trình Chính phủ. Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; trường hợp pháp luật chuyên ngành giao Chính phủ hướng dẫn thì các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng Nghị định, trình Chính phủ xem xét quyết định. Không ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế và vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập riêng trong từng lĩnh vực.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 90 ngày 30/8/2017 quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 141, trong đó đã quy định giao quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Đối với các lĩnh vực khác, đến nay Chính phủ chưa ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng Thông tư hướng dẫn.

“Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định 43 ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ Tài chính thông tin.