Mỗi khi tức giận, căng thẳng trong cuộc sống hay công việc, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, bất cứ ai cũng có thể vào một căn phòng đập phá đồ đạc thoải mái nhằm xả stress (căng thẳng tâm lý) - loại hình dịch vụ mới lạ này tuy mới xuất hiện tại Hà Nội nhưng đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều người.
Được biết, dịch vụ trên cho phép khách hàng tự do đập phá tivi, chai lọ, đầu đĩa, nồi cơm điện, bát, chai lọ thủy tinh cùng nhiều đồ đạc khác nhằm giảm bớt căng thẳng trong một căn phòng kín được gọi là “căn phòng thịnh nộ” (Fury Room). Căn phòng này được thiết kế khép kín. Những đồ vật để trong phòng thường là những vật dụng đã hư hỏng, không còn giá trị sử dụng.
Đập phá đồ đạc có giải tỏa được bực bội?
Khách hàng có thể di chuyển đồ vật đến vị trí tùy thích để đập phá nhưng vẫn trong khuôn viên căn phòng. Để đảm bảo an toàn, trước khi “vào cuộc”, người chơi được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, mũ bảo hiểm nhằm hạn chế xảy ra thương tích. Ngoài ra, họ còn được cung cấp các vật dụng dùng để đập phá đồ đạc như gậy bóng chày, gậy đánh golf, xà beng…
Tuy mới khai trương nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng với thành phần khá đa dạng từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công chức, nhân viên văn phòng… Giá dịch vụ dao động từ 100.000-200.000 đồng/người/lần tùy theo số lượng, sản phẩm khách hàng muốn đập phá.
Liên quan đến loại hình dịch vụ mới mẻ trên hiện có khá nhiều ý kiến trái chiều. Không ít bạn trẻ bày tỏ sự đồng tình và thể hiện sự hào hứng muốn tham gia sử dụng dịch vụ ngay. Anh Vũ Đình Trường, kỹ sư tin học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, dịch vụ đập phá đồ đạc xả stress không phải là mới, nó đã xuất hiện ở nước ngoài (như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…) cách đây khá lâu. Đây là giải pháp khá hữu hiệu cho những người muốn giảm stress nhanh chóng.
“Theo tôi, khi bị căng thẳng trong công việc mà không thể giải tỏa bằng cách đi chơi, nghe nhạc, tâm sự với bạn bè… thì việc đập phá đồ đạc ở một nơi an toàn là một cách xả strees tốt nhất, bởi như vậy mới giải phóng được năng lượng. Hơn nữa, việc đập phá đồ đạc trong phòng kín nằm trong tầm kiểm soát, chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (từ 30-45 phút), không gây thương tích cho ai nên không thể nói nó có tính bạo lực” - anh Trường bày tỏ quan điểm.
Trái ngược với ý kiến trên, bạn Vũ Thanh Vân - sinh viên trường ĐHQG Hà Nội cho biết, việc đập phá đồ đạc khi stress một vài lần không sao nhưng nếu diễn ra liên tục, nhiều lần thì sẽ thành thói quen xấu.
“Theo tôi, việc giải tỏa căng thẳng bằng cách này không hiệu quả, thậm chí còn có thể có tác dụng ngược, khiến sự bực bội bị đẩy lên cao trào. Mặt khác, nếu cứ tức giận, căng thẳng lại được “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đập phá hết mọi thứ thì chẳng khác nào cổ súy cho hành vi bạo lực, chưa nói đến việc, rác thải từ những lần xả stress sẽ gây hại cho môi trường” - bạn Vân bức xúc.
Không giải quyết được tận gốc của vấn đề
Một trong những lý do chính dẫn đến sự xuất hiện của dịch vụ trên là do ngày càng có nhiều người rơi vào trạng thái stress kéo dài do không giải tỏa được những bực bội, ức chế phát sinh từ công việc, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, thay vì ức chế dẫn đến gây gổ, đánh nhau ngoài xã hội hay về nhà đập phá đồ đạc thì “Fury Room” là giải pháp hữu hiệu cho khách hàng được giải tỏa mà vẫn đảm bảo an toàn.
Phân tích dưới góc độ tâm lý, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, khi rơi vào trạng thái bực bội, căng thẳng một số người sẽ chọn những cách tích cực để giải tỏa stress như đi du lịch, tập thể dục, nghe nhạc hoặc tán gẫu với bạn bè. Tuy nhiên cũng có người có phản ứng tiêu cực như sẵn sàng đập phá đồ đạc, chửi bới hoặc rất dễ nóng giận với người xung quanh.
Căng thẳng nếu không được giải tỏa về lâu dài sẽ gây ức chế tâm lý, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Tuy vậy, bạo lực không phải là phương thức duy nhất để đẩy lùi stress. Nếu lạm dụng việc xả giận bằng cách đập phá đồ đạc có thể dẫn đến xu hướng “nghiện” bạo lực.
Hơn nữa, việc bỏ tiền ra mua dịch vụ đập phá để xả stress không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn có thể khiến một số cá nhân đánh mất tính chủ động, bình tĩnh để kiềm chế nóng giận, cho dù những hành động này có thể khiến họ cảm thấy thoải mái tại một thời điểm nhất định, chưa nói đến việc, những hành động đập phá đồ đạc sẽ khiến cá nhân dần hình thành tâm lý coi nhẹ đồ vật quanh mình - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định.
Giải tỏa căng thẳng là nhu cầu thiết yếu của mỗi người, song điều quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân gây stress, từ đó có giải pháp hiệu quả. “Khi thấy căng thẳng, mệt mỏi, mỗi cá nhân cần bình tĩnh ngồi xuống và uống một cốc nước bởi não bộ rất cần nước để hoạt động, đồng thời nhắm mắt để tự trấn tĩnh lại. Trước khi có bất cứ hành động nào cần cân nhắc đến hậu quả có thể xảy ra. Trong trường hợp quá căng thẳng, không tự mình cân bằng được, cá nhân nên đến gặp bác sỹ tâm lý để được tư vấn điều trị kịp thời” - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.
(Theo An ninh Thủ đô)