Không gì cay đắng hơn việc đã trả tiền mua đất nhưng giờ không được xây dựng để hoàn thành giấc mơ an cư. Rất nhiều khách hàng khốn khổ khi bỏ ra số tiền cả tỷ đồng để mua đất nền nhưng chờ nhiều năm trời người mua vẫn không được chủ đầu tư giao đất.

{keywords}

Nhiều khách hàng "hớ" nặng khi mua phải dự án vịt trời.

Không thể xây nhà trên lô đất mình mua

Từ năm 2008, anh Nguyễn Hữu Lợi (quận Tân Bình) ký hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án khu đô thị thương mại Nam – Nam Sài Gòn (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công Phi Long làm chủ đầu tư.

Để nhận được nền đất có diện tích 100m2 tại vị trí nền 9 thuộc lô B1 của dự án, anh Lợi phải đóng cho Công ty Phi Long số tiền 320 triệu đồng (chia làm 3 đợt).

Theo nội dung cam kết trong hợp đồng sau khi nhận tiền của khách hàng, Công ty Phi Long có nghĩa vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục xin giao đất, chuyển quyền sử dụng đất và xác lập quyền sử dụng đất cho khách hàng. Trong thời gian 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các công việc và tiến hành bàn giao đất cho khách hàng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay anh Lợi không thể xây nhà trên lô đất mình mua do chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và không bàn giao sổ đỏ như cam kết với khách hàng.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án khu dân cư 154 ha phường Bình Trưng Đông - Cát Lái (quận 2). Theo phản ánh của một khách hàng, chị đã đóng tiền gần 100% cho chủ đầu tư để mua nền đất tại dự án này vào năm 2009. Theo cam kết thì chủ đầu tư sẽ bàn giao nền đất và hạ tầng kỹ thuật đầy đủ để chị có thể xây dựng nhà ở vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, đến nay vị khách này vẫn chưa nhận được nền đất trong khi hạ tầng kỹ thuật của dự án không được thi công, một số hạng mục để cỏ mọc hoang dại.

Được biết, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do dự án còn vướng một số thủ tục pháp lý, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong.

Tại dự án khu dân cư Phú Gia Nhà Bè (huyện Nhà Bè) nhiều khách hàng cũng đang điêu đứng vì mua đất nền đã hơn chục năm nay vẫn chưa được giao. Được biết, dự án này do Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Công ty Cotec Land) làm chủ đầu tư với quy mô hơn 6,3 ha. Hiện tại, dự án này chỉ mới đầu tư được một số hạ tầng sơ sài, còn lại là phần lớn diện tích là bỏ hoang. “Chúng tôi đóng tiền đã hơn 10 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong hạ tầng, pháp lý cũng chưa thực hiện đủ nên không thể nhận đất để xây dựng nhà cửa ở được”, một khách hàng bức xúc.

Cũng tại huyện Nhà Bè tình trạng mất tiền mua đất nhưng không được giao nền cũng xảy ra tại dự án Thái Sơn 1, Thái Sơn 2 do Tổng công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Dự này có quy mô rộng hơn 20 ha đã được triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Hiện người mua đất tại dự vẫn không biết đến khi nào mới có thể xây dựng được nhà.

Chủ đầu tư làm không tới

Với tâm lý mong muốn có một căn nhà của riêng mình, phân khúc đất nền luôn thu hút người mua. Phân khúc này cũng đang là điểm nóng tại nhiều quận huyện vùng ven TP.HCM. Bên cạnh một số dự án được đầu tư bài bản, đầy đủ tính pháp lý thì còn vô số dự án nhỏ lẻ, pháp lý không rõ ràng tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.

Hình thức phổ biến là các công ty bất động sản đứng ra gom đất của người dân, sau đó chỉ làm một vài con đường sơ sài rồi xin tách thửa để chia lô, bán nền. Những dự án này không chỉ không đảm bảo về yêu cầu hạ tầng kỹ thuật như quy định mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý cao vì hầu hết vẫn đứng tên của người dân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để tăng sức hút cho những dự án này chủ đầu tư đã không tiếc công để phác thảo hẳn một bản đồ dự án với đầy đủ tiện tích, cây xanh, đường xá, trường học… Thế nhưng trên thực tế thì dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, sình lầy.

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, với các dự án đất nền đặc biệt là khi mua để ở thì khách hàng cần tìm hiểu kỹ, không chỉ về pháp lý dự án mà còn phải đảm bảo đầy đủ các tiện ích và hạ tầng kỹ thuật. Để chắc chắn thì nên đến trực tiếp dự án xem xét và hỏi cơ quan chức năng địa phương về vị trí quy hoạch dự án để tránh sai sót trước khi mua.

Theo Cafeland