- Mất mẹ từ nhỏ nên tôi không được hưởng sự dạy dỗ dịu dàng của người phụ nữ. Bố tôi sợ con gái thiệt thòi, không dám đi bước nữa, đành chịu cảnh “gà trống nuôi con” trong nỗi vất vả. Thời buổi kinh tế thị trường, với kinh nghiệm buôn bán lâu năm, bố tôi đã thành lập được công ty được riêng, có uy tín. Cuộc sống của hai bố con vì thế mà khấm khá hơn.

TIN BÀI KHÁC

Có điều kiện, bố dành cho tôi mọi sự quan tâm tốt nhất. Đi học ở những trường hàng đầu, ăn những nhà hàng sang trọng, dùng những món đồ xịn nhất. Chưa lúc nào bố từ chối tôi việc gì cả, kể cả đến khi tôi lấy chồng.

Chồng tôi là một người đàn ông hiền lành. Anh xuất thân từ gia đình gia giáo, có bố mẹ đều làm giáo viên, nay đã về hưu. Vì là gia đình có học thức, nên ngay từ nhỏ, anh đã được hưởng sự giáo dục nghiêm khắc. Hai chúng tôi khác nhau cả về tính cách lẫn hoàn cảnh, nhưng chẳng hiểu sao, hai đứa lại yêu thương nhau rất nhiều.

Tất nhiên, bố tôi không ưng anh, vì trong mắt bố, đàn ông chỉ biết làm công chức 8 tiếng một ngày, lương 3 cọc 3 đồng thì khó mà nuôi được vợ con. Còn phía gia đình anh cũng chê tôi không được dạy dỗ, ỷ giàu mà sống đổ đốn, dù tôi chưa từng ăn chơi, đua đòi bao giờ. Thế nhưng do tình cảm chúng tôi quá sâu đậm, cuối cùng hai bên cũng chấp nhận cho cưới.

Đám cưới tôi được tổ chức lộng lẫy, bố tôi hồi môn không chỉ vàng, tiền mà còn cả căn hộ cao cấp ngay trung tâm thành phố. Nhìn dáng bố cô độc một mình, tôi rất đau lòng, chỉ biết hứa với ông sẽ thường xuyên về thăm nhà. Tôi thật lòng mong bố dành thời gian đi tìm một người phụ nữ khác làm chỗ dựa lúc về già.

{keywords}
Tôi đi lấy chồng trong sự cô độc của bố và lạnh lùng của gia đình chồng (Ảnh minh họa)

Cuộc sống gia đình sẽ dễ dàng hơn, nếu như bố mẹ chồng tôi không quá nghiêm khắc với con cái. Mẹ chồng tôi khá kĩ tính và cổ hủ. Dù mỗi tháng chúng tôi đều biếu bà gần 10 triệu (mà quá nửa là tiền của tôi), thì bà vẫn tỏ ra không hài lòng, thường xuyên chê lời ăn tiếng nói, hay thói quen sinh hoạt của tôi. Thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, tôi luôn muốn được coi bà như mẹ đẻ, nhưng giữa hai mẹ con luôn có sự khách sáo nhất định.

Tôi chỉ được an ủi rằng chồng mình vẫn còn tốt, biết thông cảm và thấu hiểu cho hoàn cảnh của vợ. Nhưng nỗi buồn chưa vơi, thì tôi lại gặp thêm biến cố lớn của cuộc đời. Bố tôi bị đối tác lừa, có nguy cơ phải bán tháo công ty để trả nợ ngân hàng. Tôi lo lắng tìm cách giúp đỡ bố, nên muốn gom tiền mừng cưới và bán ngôi nhà cùng tiền vàng bố cho để trả nợ.

Tôi chỉ vừa bàn với chồng, thì hôm sau mẹ chồng đã biết chuyện. Bà nghiêm khắc gọi tôi lại nói, tiền đó khi lấy chồng thì là của chung, tôi không được tự ý quyết định. Nay ngôi nhà đó là của cả chồng tôi, nếu tôi muốn bán thì phải hỏi ý kiến của bố mẹ chồng nữa. Mà tài sản nhà bà thì không phải lúc nào cũng có thể đem cho người ngoài. Nghe bà nói mà tôi ngạc nhiên hết sức.

Tôi uất ức nói chuyện với chồng, thì anh chỉ gãi đầu gãi tai, nói tốt nhất nên làm theo lời bố mẹ. Thật ra ngôi nhà đó vẫn đứng tên tôi, tôi có quyền bán đi, nhưng nếu làm như vậy, mẹ chồng nhất định sẽ không hài lòng, tìm cách gây khó dễ. Cuộc sống sau này sẽ thêm bộn phần khó khăn.

Càng nghĩ, tôi càng mệt mỏi và ức chế vô cùng. Bố tôi vẫn nói có thể tự xoay sở, nhưng tôi biết lần này rất khó khăn, không thể để bố một mình chống chọi như vậy. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện làm căng, cùng lắm là ly dị, nhưng nếu như vậy, cả tôi và bố đều sẽ rất buồn. Tôi phải làm sao mới giải quyết được mọi chuyện cho êm thấm?

Yến Nhi

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn