Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực.

botruong-tolam-2.jpg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Trong đó, công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe. Các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là liên quan đến không gian mạng đã được nhận diện và từng bước phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa đạt kết quả bước đầu.

793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ 

Về kết quả phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đã được phát hiện, điều tra xử lý nghiêm với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như vụ Tập đoàn FLC; Tân Hoàng Minh; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á; Công ty AIC...

Từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 5.715 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 11,69%), 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 51,63%).

Theo nhận định của Chính phủ, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu “còn diễn ra phức tạp”. Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe; khai thác tài nguyên, khoáng sản gây bức xúc dư luận.

Ngoài ra còn có vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Cạnh đó là vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng. Điển hình như vụ tại Hà Nội, khởi tố 5 bị can trong đó có Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Bankland với thủ đoạn lập dự án không có thật, dự án trên đất nông nghiệp sau đó quảng cáo để lôi kéo khách hàng dưới hình thức “phiếu đặt cọc thiện chí” rồi chiếm đoạt tài sản.

Tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương. Tội phạm trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, gây thiệt hại tài sản lớn. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Tội phạm trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục có “chiều hướng gia tăng”. Hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi khó phát hiện, đấu tranh.

Các phương thức, thủ đoạn như sử dụng VoIP (cuộc gọi trên nền tảng internet) hoặc sim rác sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế (Roaming), giả danh cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền quốc tế để yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản hoặc yêu cầu tải các app lừa đảo về điện thoại để chiếm đoạt tiền của bị hại.

Ngoài ra, các cơ quan còn phát hiện các vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet với số tiền lớn như tại Thái Bình, phát hiện, triệt phá 2 đường dây với số tiền đánh bạc từ 6.600 đến 8.400 tỷ đồng. Hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu điều hành các trang mạng, đường dây phạm tội...

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống tội phạm lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.600 vụ (nhiều hơn 203,61%), 478 đối tượng (nhiều hơn 48,91%).

Trong đó, đã phát hiện xử lý nhiều vụ phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh đa cấp, giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối, chứng khoán, mua bán người, môi giới mại dâm trên không gian mạng...

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2024, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động “núp bóng” doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ…

Tổ chức đấu tranh trấn áp các loại tội phạm theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực. Xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao.

Giải pháp nữa là làm tốt công tác thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm.