Trong báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao.

Điều tra, mở rộng với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương rà soát, phát hiện các cơ sở kinh doanh, cá nhân, băng nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen và tăng cường xủ lý các vi phạm. Cụ thể là đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; xử phạt hành chính 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khởi tố 1038 vụ/2025 bị can; xử lý hành chính 359 vụ/485 đối tượng. 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn các ĐBQH tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/8

Báo cáo nêu rõ, do đấu tranh trấn áp quyết liệt nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, có lúc, có nơi tình trạng này còn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động biến tướng cho vay qua mạng (app) khó phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn.

Vì vậy, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó có triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động. 

Đồng thời, triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm.

Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó là hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng. 

Ngoài ra, Bộ Công an tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

Trong đó có việc nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay; xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý. 

“Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động. Chỉ đạo điều tra, mở rộng đối với hành vi rửa tiền trong các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, làm tốt công tác thu hồi nguồn tiền từ hoạt động tín dụng đen”, báo cáo nêu rõ. 

Xuất hiện băng nhóm người nước ngoài tấn công vào hệ thống ngân hàng

Về tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an cho biết, từ đầu đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. 

Đáng chú ý là thời gian qua xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo. Các đối tượng này tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan Công an Việt Nam. 

Nhiều hình thức quảng cáo đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng bằng tiếng Việt diễn ra công khai nhằm lôi kéo người chơi với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi.

Lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá các vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc với thủ đoạn mới; các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được các đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp.

Khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khoá mạng, xoá dữ liệu trong tài khoản cá cược; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của Internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc… gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Ngoài ra còn có tình trạng lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản…

Tình trạng lợi dụng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử để giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có vụ giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Bộ Công an kiến nghị các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thương mại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google...).

Lực lượng công an thực hiện tốt công tác nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, rà soát, lên danh sách và có biện pháp quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, băng, nhóm đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh, triệt phá.

 Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác khởi tố, điều tra, xử lý đối tượng phạm tội, nhất là với đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Công an phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, lưu động một số vụ điển hình, dư luận quan tâm để răn đe, phòng ngừa chung…

Đại tá Đinh Văn Nơi nhận nhiệm vụ đặc biệt, 'xử nóng' tín dụng đen

Đại tá Đinh Văn Nơi nhận nhiệm vụ đặc biệt, 'xử nóng' tín dụng đen

Đại tá Đinh Văn Nơi yêu cầu các đơn vị rà soát, lên danh sách đối tượng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay liên quan đến hoạt động tín dụng đen như cho vay nặng lãi, đòi nợ.
Công an TP.HCM mạnh tay với giang hồ tín dụng đen trên địa bàn

Công an TP.HCM mạnh tay với giang hồ tín dụng đen trên địa bàn

Khi người vay chậm thanh toán, những người khác trong danh sách bạn bè… bỗng dưng bị khủng bố đòi nợ vô cớ. Có trường hợp những người không nợ nần bỗng dưng bị tung tin kèm hình ảnh bêu xấu trên mạng xã hội, tại nhà riêng lẫn nơi làm việc.
Thu giữ xe sang Porsche khi khám nhà trùm tín dụng đen

Thu giữ xe sang Porsche khi khám nhà trùm tín dụng đen

Khám xét nơi ở của nghi phạm hoạt động cho vay lãi nặng, công an phát hiện 3 ôtô, gồm xe sang Porsche gắn biển số giả, Mercedes và Toyota Camry.