Theo một lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, tên tiếng Anh của cơ sở đào tạo này vẫn giữ nguyên như hiện nay: Hanoi University of Science and Technology.
Tên tiếng Anh của các trường trực thuộc trước mắt cũng sẽ giữ nguyên. Cụ thể: Trường Điện - Điện tử là School of Electrical and Electronic Engineering; Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông: School of Information and Communication Technology; Trường Cơ khí: School of Mechanical Engineering.
"Bất kỳ thay đổi nào về tên của các trường thành viên cũng phải chờ tới khi họp Hội đồng trường. Có thể sau khi họp, tên các trường trực thuộc không thay đổi nhưng sẽ có thêm vài chức danh” - vị này cho biết thêm.
Tên tiếng Anh của các ĐH ở Việt Nam
Hiện nay, ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, Việt Nam có 5 ĐH đa thành viên là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Với tên tiếng Anh, các trường này cũng như hầu hết trường thành viên sử dụng từ “University”.
Ví dụ, ĐH Quốc gia TP.HCM có tên tiếng Anh là Vietnam National University Ho Chi Minh City (viết tắt: VNUHCM). Các trường thành viên cũng dùng University.
Trường thành viên | Tên Tiếng Anh |
Trường Đại học Bách Khoa | University of Technology |
Trường Đại học Khoa học tự nhiên | University of Science |
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn | University of Social Sciences and Humanities |
Trường Đại học Quốc tế | International University |
Trường Đại học Công nghệ thông tin | University of Information Technology |
Trường Đại học Kinh tế - Luật | University of Economics and Law |
ĐH Quốc gia Hà Nội có tên tiếng Anh là Vietnam National University, Hanoi (viết tắt là VNU). Tính đến nay, VNU có 9 trường thành viên với tên tiếng Anh như sau:
Trường thành viên | Tên Tiếng Anh |
Trường Đại học Khoa học tự nhiên | Hanoi University of Science |
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn | University of Social Sciences and Humanities |
Trường Đại học Ngoại ngữ | University of Languages and International Studies |
Trường Đại học Công nghệ | University of Engineering and Technology |
Trường Đại học Kinh tế | University of Economics and Business |
Trường Đại học Giáo dục | University of Education |
Trường Đại học Việt - Nhật | Vietnam Japan University |
Trường Đại học Y dược | University of Medicine and Pharmacy |
Trường Đại học Luật | University of Law |
Đại học Quốc gia Hà Nội còn có 2 trường trực thuộc là: Trường Quốc tế - International School; Trường Quản trị và kinh doanh - School of Business and Management…
Thực tế, hầu hết các trường ở Việt Nam đều thích dùng "University" hơn là "College", dù trường đó được nâng cấp từ trung cấp, cao đẳng hay từ khoa lên ĐH. Điều này gây nên tình trạng “university” trong “university” vốn gây tranh cãi.
Chia sẻ về câu chuyện tên tiếng Anh, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, nhận xét ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn dùng “University” là đúng. Tuy nhiên, các trường trực thuộc nên dùng “College”, cụ thể là “College of...”.
“Như vậy, 'trường con' sẽ có quyền hạn lớn hơn như được tự quyết trong khâu tổ chức chương trình đào tạo nhưng không nhiều quyền tự quyết như các trường ĐH tự chủ” - ông Sơn bình luận.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng đối với tên tiếng Anh, ĐH Bách khoa Hà Nội để như hiện nay “Hanoi University of Science and Technology” là chính xác.
Đối với các trường thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội, theo ông Dũng, có thể dùng “College of…” hoặc “School of…”. Như vậy, các “college” hay “school” sẽ có nhiều quyền hơn, tính tự chủ học thuật sẽ tăng cao.
Theo ông, việc điều hành của trưởng khoa (trước đây) sẽ giống như hiệu trưởng của một trường ĐH hiện nay. Các trường con sẽ được thực thi công việc như một trường bình thường. Ban giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ chỉ làm công tác điều phối, phân bổ đầu tư, định hướng chung".
Về việc trường ĐH và ĐH hiện nay đều dùng tên tiếng Anh là “University”, ông Dũng nhận định “University” có nhiều nghĩa để chỉ một trường ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực.
“Khái niệm University khi Việt hóa nếu bỏ chữ “trường” đi thì chỉ một ĐH lớn” - ông Dũng chia sẻ.
Nhóm PV