Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định việc quy hoạch báo chí nhằm mục đích là để báo chí phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tới dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Vấn đề quy hoạch báo chí luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống báo chí, đó là: lành mạnh về nội dung, tinh gọn về đầu mối, số lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận Hội nghị

Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2015 được triển khai 9 năm. Năm 2014, khi xem xét Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, Bộ Chính trị đã kết luận tại văn bản số 7959-CV/VPTW ngày 23/5/2014, trong đó thể hiện rõ quan điểm: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng; đặc biệt trong tình hình hiện nay, Đảng và Nhà nước phải nắm chắc công cụ quan trọng này.

Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải chủ động định hướng, chỉ đạo, quản lý, không để phát triển tự phát; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt; không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để cho lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...”.

Cũng theo kết luận của Bộ Chính trị: Việc tổ chức thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng, có lộ trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ, chắc chắn theo tinh thần việc dễ làm trước, việc khó làm sau; chú trọng công tác tư tưởng, giải pháp tài chính, giải pháp với những người làm báo không còn chỗ làm việc khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí làm việc, cống hiến và phát triển”.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Quán triệt quan điểm lãnh đạo của Đảng ta về báo chí, nhất là kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng về triển khai Đề án quy hoạch báo chí trước 30/10/2015. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Một là, các cơ quan chủ quản báo chí chủ động xây dựng phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc quyền theo nội dung Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025. Đề án sắp xếp cơ quan báo chí của ngành mình, địa phương mình cần tập trung nhấn mạnh các giải pháp đảm bảo chất lượng thông tin, nhưng cũng phải quan tâm đổi mới quản trị nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa.

- Hai là, các cơ quan chủ quản cần quán triệt tinh thần của Quy hoạch báo chí đến năm 2025 và chậm nhất là đến ngày 20/10/2015, các cơ quan chủ quản báo chí phải có báo cáo về phương án quy hoạch gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2015. Báo cáo cần làm rõ thực trạng phát triển của báo chí ngành mình, địa phương mình, phương án quy hoạch, những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ.

- Ba là, các cơ quan chủ quản báo chí, căn cứ hiện trạng hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền, nếu đảm bảo đủ các điều kiện thì có thể chủ động việc tiến hành sắp xếp các cơ quan báo chí của ngành mình, địa phương mình theo nội dung Đề án quy hoạch. Bằng chứng là một số Bộ đã chủ động sắp xếp các cơ quan báo chí của mình ngay cả trước khi có quy hoạch như Bộ Giao thông Vận tải, từ 7 báo còn 1 báo. Bản thân Bộ TT&TT cũng đã sắp xếp lại các cơ quan báo chí do bộ làm chủ quản như đã chuyển Đài truyền hình kỹ thuật số VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

- Bốn là, trong quá trình triển khai các Bộ, ngành, địa phương cần tính đến tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng.

- Năm là, chú ý đến đời sống và việc làm của đội ngũ báo chí sau khi bố trí, sắp xếp lại cơ quan báo chí theo quy hoạch.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đây là việc lớn, cấp bách, phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng, tác động đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đối tượng, do đó chúng ta phải cùng nhau quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và triển khai một cách thận trọng, từng bước theo lộ trình.

Việc Quy hoạch báo chí nhằm mục đích là để báo chí mạnh hơn, hiệu quả hơn, làm đúng chức năng nhiệm vụ là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý, báo chí bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí

(Theo mic.gov.vn)