Trong phiên chất vấn chiều 6/11 tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, vì vậy Quốc hội đã có nghị quyết riêng về vấn đề này, tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế; Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong thời gian tới là gì?

{keywords}
Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ ở tại ba vùng để doanh nghiệp hỗ trợ có điều kiện tiếp cận.

Có 3 vướng mắc lớn cần tháo gỡ

Phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh như sau: Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có sự quan tâm và có rất nhiều chính sách để phát triển. Tuy nhiên có một số vấn đề, có một số nguyên nhân làm cho ngành này chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu cũng như kỳ vọng.

Thứ nhất, do trình độ phát triển kinh tế và sự tương tác trong các quan hệ lẫn nhau với các nền kinh tế khác và lợi thế cạnh tranh nên phần lớn các ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu và chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách công nghiệp hỗ trợ, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội việc triển khai thực hiện các việc hoàn thiện cơ chế chính sách của chúng ta vẫn còn chậm. Mặc dù đã có Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào cuối năm 2018, nhưng cho đến nay việc triển khai của chúng ta trong các cơ chế ưu đãi và các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là những nguồn hỗ trợ từ ngân sách trong hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta trong đổi mới công nghệ cũng như trong tiếp cận thị trường.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện có ba nguyên nhân lớn đang còn vướng mắc, chưa gỡ hết. Cụ thể:

Thứ nhất là công tác về thị trường. Nếu như không có những thị trường mà trong đó các doanh nghiệp FDI đang dẫn dắt cũng như một số ngành công nghiệp hạ nguồn chưa phát triển được sẽ rất khó cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển và tham gia vào chuỗi.

Thứ hai, do điều kiện của doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận với tín dụng để phục vụ cho đầu tư phát triển, kể cả việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất trong công nghiệp hỗ trợ cũng còn hạn chế.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ khác về nguồn nhân lực cũng như đổi mới công nghệ và trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn có những vướng mắc và chưa có một cơ chế đủ mạnh trong các chính sách.

Xây dựng nghị quyết về phát triển nghiệp hỗ trợ

Phát biểu trước các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cung cấp thông tin: Xuất phát từ những vấn đề này, Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và đặc biệt sau phiên họp mới đây của Thủ tướng Chính phủ cách đây 4 tháng về công nghiệp hỗ trợ đã xây dựng nghị quyết về phát triển nghiệp hỗ trợ, trong đó định hướng một số nội dung cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển.

Thứ hai, về dài hạn, sẽ tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thứ ba, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.

Thứ tư, tiếp tục tranh thủ những điều kiện của các FTA và các hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận. Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ ở tại ba vùng để doanh nghiệp hỗ trợ có điều kiện tiếp cận.

Thu Nga