Bộ TT&TT mới đây đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở TT&TT và các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nội dung về tăng cường công tác ngầm hóa cáp viễn thông tại địa phương.

Việc này nhằm đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về việc hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông tại Luật Viễn thông năm 2023 cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cụ thể, song song việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn, UBND các tỉnh, thành phố cũng được đề nghị quan tâm đến việc đưa ra các chỉ tiêu về ngầm hóa cáp viễn thông, chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông để yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện tại địa phương.

Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp triển khai ngầm hóa cáp viễn thông, đảm bảo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc việc ngầm hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiến hành hiệp thương, thống nhất và hướng dẫn chủ đầu tư các công trình ngầm ban hành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung theo quy định của Bộ TT&TT tại “Thông tư 07 ngày 2/7/2024 về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông”.

Mục đích là để các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tiến hành ký kết hợp đồng sử dụng chung nhằm thúc đẩy việc ngầm hóa cáp viễn thông.

ngam hoa cap vien thong 0 1705.jpg
Sở TT&TT cùng cơ quan chuyên môn tại địa phương cần đưa ra các chỉ tiêu về ngầm hóa cáp viễn thông, chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông để yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện. Ảnh minh họa: Anh Nguyễn

Sở TT&TT và cơ quan chuyên môn tại địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Thông tư 07 của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, thúc đẩy việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Chuyển đổi số trong công tác quản lý hạ tầng viễn thông cũng là một nội dung Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo Sở TT&TT và các cơ quan chuyên môn tại địa phương. Theo đó, địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số để quản lý hạ tầng viễn thông, trong đó có hạ tầng ngầm, và thường xuyên cập nhật dữ liệu, chia sẻ số liệu, báo cáo trực tuyến về Cục Viễn thông, Bộ TT&TT.

Đồng thời, các địa phương cần khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp vào công trình hạ tầng ngầm, mở rộng các hình thức hợp tác công tư - PPP để thúc đẩy tiến độ ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn.

Trước đó, cũng với mục tiêu góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ TT&TT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các cơ quan có liên quan bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông, xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết kết luận của Tổ chức Y tế thế giới - WHO về việc chưa có bằng chứng cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng thông tin di động - BTS có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đồng thời, ủng hộ xây dựng phát triển các trạm BTS nói riêng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói chung phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Tại “Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025” được phê duyệt hồi tháng 7, Bộ TT&TT vạch rõ 9 giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó có giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và giải pháp thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị sẽ tập trung xây dựng quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; thúc đẩy chia sẻ hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp để có thể mở rộng vùng phủ sóng, triển khai nhanh mạng 4G, 5G và giảm thiểu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp; đồng thời, thúc đẩy chia sẻ hạ tầng dùng chung liên ngành giữa viễn thông và các ngành khác.