Thông tin nêu trên vừa được Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cho biết trong báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 8/2024.

‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1/2024, đã xác định rõ: "Hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số".

W-ha tang vien thong thu dong 1.jpg
Hạ tầng TT&TT được xác định là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: M.H

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong tháng 8 vừa qua, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘Kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo chia sẻ của đại diện Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) với phóng viên VietNamNet, bản kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ đến năm 2030; đồng thời định hướng cho các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp cùng Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan để thực hiện một cách có hiệu quả quy hoạch hạ tầng TT&TT.

Được xây dựng căn cứ theo quy định tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, một trong những nội dung chính của ‘Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ là xác định rõ việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng TT&TT do các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phù hợp với Quy hoạch hạ tầng TT&TT.

Bản kế hoạch cũng vạch ra các nội dung quan trọng khác như: Các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công bao gồm nhóm các dự án hạ tầng TT&TT ưu tiên đầu tư do các doanh nghiệp thực hiện; kêu gọi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng hạ tầng TT&TT sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; việc bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng TT&TT quốc gia phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia; các chính sách, giải pháp về quy hoạch, phát triển và sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch; các nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Số liệu thống kê tại thời điểm công bố Quy hoạch hạ tầng TT&TT đến năm 2030 hồi trung tuần tháng 2/2024 chỉ ra rằng: trong giai đoạn trước, hạ tầng TT&TT Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, với mức độ phổ cập cao hơn so với nhiều nước. Tiêu biểu như, tuy là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%.

Cùng với tỷ lệ người dân sử dụng smartphone và độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đều cao hơn mức trung bình thế giới khoảng 20%, Việt Nam còn có tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 9 toàn cầu. Đặc biệt, cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy, mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng Internet, tiếp cận, nâng cao kiến thức và làm giàu nhờ không gian số. 

Dẫu vậy, trong quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam vẫn đặt các mục tiêu cao như: Xây dựng 3 - 5 trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, có năng lực khai thác bình quân đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; mạng băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ tới 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế...