Ngày 3/4/2024, đoàn công tác Bộ TT&TT do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viettel. Nội dung buổi làm việc nhằm trao đổi những vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng số trong nước. 

Báo cáo với đoàn công tác, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, hết Quý 1/2024, doanh thu hợp nhất của Viettel đạt 43.900 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8%, lợi nhuận đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong 3 tháng đầu năm, Viettel đang triển khai việc ngăn chặn các máy 2G không hợp quy nhập mạng. Viettel cũng tích cực tham gia cùng Bộ TT&TT xây dựng nhiều văn bản quy định pháp luật như Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện sửa đổi. Điều này nhằm đưa hơi thở thực tế của cuộc sống vào trong các văn bản quy định pháp luật. 

thu truong dung viettel 1.jpg
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng báo cáo với đoàn công tác Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Bộ TT&TT đưa ra mục tiêu đến tháng 9/2024 sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới. Do vậy, Viettel đang tăng cường năng lực mạng lưới 4G nhằm đảm bảo việc thay thế mạng 2G. Chỉ trong Quý 1 năm nay, Viettel đã xây dựng thêm 1.000 trạm phát sóng mới.  Bên cạnh đó, tập đoàn này đang tìm cách chuyển đổi 9 triệu thuê bao feature phone trên hệ thống lên thành thuê bao smartphone 4G.

Chúng tôi đã đi tận ngõ, tận nhà để hỗ trợ việc chuyển đổi thiết bị cho bà con. Viettel cũng phát triển các nền tảng số để thúc đẩy nhu cầu đổi mới thiết bị”, ông Tào Đức Thắng nói.  

Theo Chủ tịch Viettel, nhiều người dùng di động biết điện thoại 2G only sẽ không còn được sử dụng vào tháng 9 năm nay nhưng vẫn ngại chuyển đổi và có tâm lý “nước chưa đến chân chưa nhảy”. Đây chính là một trong những rào cản khi chuyển đổi thiết bị từ 2G lên 4G.

Về lĩnh vực chuyển phát và logistics, Viettel đang hướng sự tập trung phát triển kho và cửa khẩu thông minh. Viettel cũng đang báo cáo Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ để tham gia làm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, với mục tiêu thúc đẩy thông quan điện tử, nhanh hơn gấp từ 5 đến 6 lần so với hiện nay.

Viettel hiện nằm trong top 3 về thị phần và mong muốn tham gia vào việc giảm giá thành dịch vụ logistics tại Việt Nam. Viettel cũng đã hợp tác với phía đường sắt và các công ty tại Bằng Tường, Nam Ninh (Trung Quốc) để có những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc. 

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Viettel đã tự nghiên cứu, phát triển các thiết bị 5G Make in Viet Nam. Khi thương mại hóa 5G tới đây, Viettel phấn đấu đưa thiết bị 5G tự sản xuất vào sử dụng tại một số địa điểm trong nước để tránh sự phụ thuộc vào thiết bị nước ngoài.

W-taoducthang.jpg
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng. Ảnh: Viettel

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng đã trao đổi với Viettel nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng số Việt Nam. 

Bộ TT&TT đã phát triển và đưa vào sử dụng công cụ i-Speed nhằm đo kiểm chất lượng Internet, thay thế phần mềm nước ngoài. Do vậy, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, Bộ TT&TT), đề xuất Viettel bổ sung thêm số lượng điểm đo nhằm tăng sự chính xác của số liệu.

Theo Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc, việc Viettel sản xuất thành công thiết bị trạm gốc 5G đã hiện thực hóa mơ ước của người làm viễn thông Việt Nam. Với sản phẩm này, Viettel nên sớm hoàn tất việc đo kiểm, chứng nhận và công bố. 

Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đánh giá cao sự tích cực và trách nhiệm của Tập đoàn Viettel trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật. Cục Viễn thông mong muốn, thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục “lăn xả” trong công tác xây dựng chính sách, góp phần tham gia vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành TT&TT. 

W-ttdung.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. Ảnh: Viettel

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng Viettel nhằm thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng số trong nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đang kỳ vọng Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông sẽ sớm cùng đưa ra định nghĩa về hạ tầng số Việt Nam. 

Hạ tầng số Việt Nam gồm những gì? Bên cạnh những cấu phần truyền thống, hạ tầng số Việt Nam sẽ bao gồm những nền tảng gì để cung cấp như một dịch vụ trên diện rộng? Bộ TT&TT kỳ vọng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel sẽ đóng góp nhiều ý tưởng mới”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đặt vấn đề.  

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong thời gian tới, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp sẽ phải đưa ra một định nghĩa tường minh hơn về hạ tầng số Việt Nam, đi kèm với đó là các mục tiêu phát triển, đặc biệt là các mục tiêu phổ cập. 

Xã hội đang kỳ vọng thông qua ứng dụng 5G, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiên phong giải bài toán chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực. Bộ TT&TT cam kết sẽ đồng hành cùng Viettel, làm việc quyết liệt hơn, thực chất hơn để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực viễn thông, hạ tầng số, chuyển đổi số, chính phủ số và kinh tế số.