Theo chuyên gia, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam muốn theo kịp cuộc CMCN 4.0, một làn sóng khoa học công nghệ mới (Ảnh minh họa: Internet)

Trong thông báo mới đây về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Văn phòng Chính phủ cho biết, sau khi nghe Bộ KH&ĐT báo cáo việc xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; Bộ KH&CN báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0 là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành. Riêng đối với Việt Nam trong giai đoạn trước mắt là nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ: KH&CN, GD&ĐT, TT&TT, đồng thời là của Bộ KH&ĐT với vai trò quản lý nhà nước tổng hợp về kế hoạch và đầu tư phát triển.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN cần sớm trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52, cụ thể hóa thành các đề án, nhiệm vụ để phân công các bộ, ngành thực hiện (rà soát lại về thể thức, thẩm quyền ban hành).

Về tiến độ trình dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Nghị quyết 01 ngày 1/1/2019 của Chính phủ giao Bộ KH&ĐT xây dựng, trình dự thảo Chiến lược trong tháng 9/2019. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo, xin ý kiến Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019 về chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời hạn trình dự thảo Chiến lược trong quý I/2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN căn cứ dự thảo Chương trình hành độngcủa Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, bám sát các nhóm chủ trương, chính sách của Nghị quyết 52 để xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 (trường hợp cần thiết thì đồng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).

Đồng thời, chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ: KH&CN, GD&ĐT, TT&TT, LĐTB&XH để bổ sung, làm sâu sắc hơn những nội dung tham gia CMCN 4.0 trong lĩnh vực quản lý của các Bộ nêu trên; hoàn thành tờ trình và dự thảo Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019, với mục tiêu hướng tới là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngay sau đó, trong phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức hồi đầu tháng 10/2019 với mục đích công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được triển khai. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt. Chắc chắn rằng ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52.

Tiếp đó, vào trung tuần tháng 10/2019, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động quán triệt, xây dựng đề án, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về CMCN 4.0 phù hợp chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Ở góc độ của một chuyên gia đã có hơn 20 năm gắn bó với CNTT nước nhà, chia sẻ nhận định về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về cuộc CMCN 4.0, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm cao nhất của hệ thống chính trị của một đất nước như Việt Nam. Và vì thế, vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị luôn là vấn đề được cân nhắc, thể hiện ý nghĩa lớn trong việc chúng ta quyết tâm đi vào hiện đại hóa, bứt lên so với một nước kém phát triển.

"Tôi nghĩ rằng giai đoạn này có một Nghị quyết cụ thể về một làn sóng mà nó được tượng trưng, quy ước gọi là cuộc CMCN 4.0, làn sóng chuyển đổi về KHCN và giáo dục hiện đang xảy ra mạnh mẽ trên toàn cầu và chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế này. Nghị quyết thể hiện Việt Nam chúng ta muốn đi nhanh hơn là đợi làn sóng này xâm chiếm vào quốc gia của mình, sau đó chúng ta chỉ đi theo như các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Mặc dù việc Nghị quyết được ban hành không có nghĩa là chúng ta đã bắt kịp được ngay nhưng nó cũng đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam muốn theo kịp trong cuộc CMCN 4.0”, ông Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm.