Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị từ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí về tình hình hoạt động báo chí trong giai đoạn vừa qua. Qua đó, cùng với những khó khăn chung của cả nước, báo chí cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nguồn thu từ quảng cáo, phát hành đều sụt giảm rõ rệt.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã thể hiện niềm tin của xã hội, của người dân đối với báo chí đã tăng lên rất nhiều, mỗi ngày có từ 7-10 nghìn tin, bài trên báo chí. Có từ 20-30 triệu lượt người đọc báo mỗi ngày. Giá trị căn bản của báo chí được thể hiện rất rõ nét như là thông tin có chứng thực và vì lợi ích cộng đồng. “Chỉ trong các tình huống đặc biệt, nhất là khi có khó khăn, các giá trị đích thực mới được nhìn thấy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, báo chí vẫn là nguồn tin chính thống để đưa thông tin lên mạng xã hội, sau đó được mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau và lan đi trên mạng xã hội. Hiện nay số người đọc mạng xã hội vẫn nhiều hơn đọc báo chí. Cho nên tâm lý xã hội vẫn bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Thế nhưng với sự chủ động, tích cực từ Chính phủ, Ban chỉ đạo và các Bộ, Ngành đã cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời cho người dân để từ đó báo chí có thể điều tiết mạng xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội. Vừa qua báo chí không chỉ là kênh truyền thông mà còn là kênh đào tạo cho người dân cách chống dịch rất tốt; động viên tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là vào sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Trong tình hình hiện nay báo chí đang gặp rất khó khăn vì nguồn thu chủ yếu của báo chí là từ quảng cáo của doanh nghiệp. Thế nhưng, do khó khăn chung nên hiện nay các doanh nghiệp đều cắt giảm chi phí. Phát hành báo in cũng giảm đáng kể. Hơn 20 nghìn nhà báo, gần 45 nghìn lao động của các cơ quan báo chí đã bị ảnh hưởng. Có lẽ ảnh hưởng này cũng không kém gì ngành du lịch, giao thông, sản xuất hay bán lẻ. Chính phủ cần phải có những biện pháp để giúp đỡ báo chí trong lúc khó khăn này.
Bộ trưởng Bộ TT&TT vui mừng cho biết, vừa qua Bộ đã sớm có các hỗ trợ cho báo chí; đã sử dụng 9 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Bộ để đặt hàng báo chí và truyền hình; huy động được 3 tỷ đồng từ các doanh nghiệp ICT để hỗ trợ trực tiếp cho các phóng viên đang tham gia ở tuyến đầu chống dịch. Ngay ngày hôm nay (10/4), các nhà mạng viễn thông đã miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho tất cả các cơ quan báo chí điện tử trong 2 tháng 4 và 5/2020; đồng thời tăng tốc độ đường truyền; tăng dung lượng sử dụng thêm 50 % nhưng không tăng giá cho toàn xã hội.
Căn cơ hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông đang báo cáo Chính phủ về tăng ngân sách đặt hàng báo chí và đề nghị giãn, giảm, miễn thuế cho các cơ quan báo chí. Bộ cũng đề nghị lên Chính phủ, Ban chỉ đạo có cơ chế đặc thù cho phóng viên tác nghiệp tuyến đầu.
Về lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng nhận định đây cũng là cơ hội rất đặc biệt để đẩy nhanh chuyển đổi số cho báo chí và đưa các hoạt động của cơ quan báo chí lên online. Một số báo đã tổ chức toàn soạn cơ động, trong trường hợp bị cách ly thì toà soạn vẫn hoạt động. Hiện nay Bộ TT&TT đã giới thiệu một số phần mềm để hỗ trợ làm việc từ xa. Bộ cũng chính thức tuyên bố đầu mối để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí chuyển đổi số là Bộ TT&TT, hiện trong lĩnh vực của Bộ quản lý có gần 50 nghìn doanh nghiệp về CNTT sẵn sàng hỗ trợ cho báo chí. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT và Hội nhà báo sẽ tiếp tục tổ chức giao ban báo chí hàng tuần thông qua cầu truyền hình do Bộ TT&TT xây dựng và vận hành đảm bảo giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng rằng, anh em phóng viên báo dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều vượt qua khó khăn, cống hiến hết mình vì đất nước và vì sự nghiệp báo chí cách mạng.