- Cùng với lời tuyên bố trong vòng một tuần phải tổ chức cưới gấp, phía nhà gái còn cho người mang sang nhà trai 5 tráp hỏi với đầy đủ lễ lạt và dặn “ngày ăn hỏi chỉ việc mang đến là xong”.

Kể ra chắc chẳng mấy người tin vào câu chuyện ngược đời này nhưng nó là sự thật các bạn ạ. Và chính gia đình mình là nhà trai trong câu chuyện ấy.

Mình với bạn gái yêu nhau hơn sáu năm mới tính chuyện kết hôn. Do hai đứa không cùng quê, sợ có sự khác biệt về phong tục nên trước khi cưới bố mẹ mình đã hỏi rõ ràng nhà gái về khoản tiền thách cưới là bao nhiêu. Nhà gái khi đó chỉ bảo là tùy hỷ.

Hôm đám hỏi, nhà mình mang sang 5 tráp với đầy đủ lễ lạt. Cứ nghĩ mọi việc thế là êm xuôi, nhưng vừa mở tráp ra bố vợ mình đã tối sầm mặt lại. Ông thắc mắc với mình rằng tại sao trong tráp không thấy cái phong bì nào và bảo mình hỏi bố mẹ xem có để quên hay làm rơi ở đâu không.

Nói thật chuyện tiền nong lễ lạt này đều do bố mẹ chuẩn bị nên mình không hề biết một chút gì cả. Đang lúng túng không biết trả lời sao thì bố mình đứng ra giải thích, rằng “Bên quê nhà tôi không có tục thách cưới. Hôm trước hỏi vấn đề này thì ông bà bảo tùy hỷ nên chúng tôi cứ nghĩ giống tục bên mình, không thách cưới cũng không tiền nong gì cả”.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Nhưng mặc cho nhà trai xuống nước xin thông cảm bỏ qua, bố vợ mình vẫn làm mọi chuyện um lên. Trước mặt hai họ, ông gọi con gái ra và bảo rằng: “Nuôi nấng dạy dỗ mày ăn học bao nhiêu năm mà giờ nhà chồng nó định rước không mày đấy. Có thấy nhục không con? Giờ bố mẹ cho mày quyết định, một là theo không coi như mày mất giá. Hai là hủy đám hỏi này, hôm khác làm lại, lễ lạt tiền nong cho nó tử tế đàng hoàng.”

Mình ghé sát tai vợ khuyên nhủ cô ấy không nên làm thế, sẽ bị thiên hạ cười chê thì cô ấy cũng khóc lóc bù lu bù loa lên: “Em không sứt mẻ đui què gì, thế mà lại theo không về nhà anh có khác nào bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ em. Nhà anh và cả anh nữa, không coi nhà em ra gì hết”.

Hôm đó đúng là kỉ niệm nhớ đời của gia đình mình. Cô dâu thì ôm mặt khóc nức nở chạy đi, bố vợ mặt hầm hầm giận dữ, còn bố mẹ mình cũng chỉ có nước lắc đầu ngao ngán mà ra về. Trước khi về bố vợ mình còn nói với theo: “Lần sau chỉ cần 3 tráp thôi, nhưng khoản gì nó phải ra khoản đấy, chứ con tôi không phải là rau già dưa khú mà cho không biếu không”.

Bẵng đi một thời gian, trong khi nhà cô ấy sốt ruột đợi bố mẹ mình đánh tiếng hỏi cưới lại thì bố mình giận dỗi nên chẳng thiết tha gì. Ông còn xúi mình bỏ đi ông cưới cho đám khác tử tế hơn. Nhưng khổ nỗi, mình với bạn gái khi ấy đã có những 6 năm yêu thương gắn bó, đâu chỉ vì chuyện này mà mình làm khổ cô ấy cho được. Bọn mình vẫn qua lại với nhau mặc chiến tranh lạnh giữa hai gia đình.

Thế rồi chẳng biết nói là oái oăm hay may mắn, đúng lúc ấy thì vợ mình mang bầu. Đến giờ nghĩ lại nét mặt bố vợ khi bọn mình thông báo tin này vẫn khiến mình phì cười. Đang cao giọng giáo huấn con rể về thể diện nọ kia thì mặt ông tái mét lại, ú ớ không thốt nên lời. Sau một hồi chửi mắng con gái, lần này tự ông chủ động gọi cho bố mẹ mình bàn chuyện cưới.

Do đã “bắt bài” được thông gia nên khi bố vợ mình yêu cầu trong vòng một tuần phải cưới gấp, bố mình giọng thủng thẳng “tỉa đểu”: “Chưa cưới được đâu ông ạ! Nhà tôi còn chưa sắm sửa được lễ sang, tiền nhiều. Ông cứ để cháu nó ngự giá thêm vài năm nữa, khi nào có đủ tôi mới dám sang”.

Nghe thế, bố vợ mình luýnh quýnh giải thích: “Thôi khỏi cần tiền nong gì, tôi nghĩ kĩ rồi, chỉ cần bọn trẻ yêu thương nhau là đủ. Nếu bên ông bà không chuẩn bị kịp, mai tôi sẽ cho người mang sang”.

Nói là làm, ngày hôm sau bố vợ mình cho người mang sang 5 tráp hỏi với đầy đủ lễ lạt và dặn rằng “ngày ăn hỏi chỉ cần mang đến là xong”. Bố mình ngồi nhìn mấy cái tráp cười khẩy “đúng là cà cuống chết đến đít còn cay, để xem đến lượt ai hành ai.” Ngày ăn hỏi hôm sau, mặc cho nhà gái chờ dài cổ, bên nhà mình cứ ung dung tới muộn. Cứ mỗi lời phát biểu bố mình lại chêm ý rằng “nhà tôi không có điều kiện, nghèo…” là bố vợ mình lại xua tay bảo thôi thôi tiền nong không quan trọng.

Dù giận thông gia nhưng lần này bố mình vẫn chủ định nhét phong bì tiền dẫn cưới 10 triệu vào tráp lễ. Bố mình bảo “Tiền nong chẳng đáng là bao nhưng cái chính là bố muốn cho nhà bên ấy một bài học về thói sĩ diện của mình”. Sau lần ấy, bố vợ mình cũng thay đổi hẳn, chẳng còn nhắc đến chuyện tiền bạc hay thể diện gì nữa.

Và thật ra có điều đến bây giờ mình cũng mới dám nói, đó là chính bố đã xúi mình làm cho con gái nhà thông gia của ông có bầu. Kể cũng hơi quá nhưng mà đáng cho những người sĩ diện, coi trọng mấy đồng tiền cưới như bố vợ mình.

Quốc Thái (Hải Phòng)