Ngày 15/9, Bộ Y tế có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch (nhất là vấn đề xét nghiệm), dẫn đến phải giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Y tế đề nghị, khi thực hiện giãn cách, các địa phương phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…); xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 biện pháp bao gồm:

- Thực hiện nghiêm việc giãn cách.

- Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc.

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

- Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội.

- Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

{keywords}
Kiểm tra giấy đi đường tại Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: Phạm Hải

Bộ Y tế nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố phải liên tục đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. “Việc nới lỏng giãn cách cần thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Công điện nêu rõ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Có thể lựa chọn trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn (theo nguyên tắc gần dân nhất) làm địa điểm.

Với xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới, cần chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, trang thiết bị, nhân lực để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.

Trước đó, ngày 11/9, báo cáo trước Ban chỉ đạo quốc gia về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nước ta có 23 tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường thực hiện giãn cách xã hội,

Trong đó, nhóm 1 (đang kiểm soát tốt dịch bệnh) gồm 8/23 địa phương: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

Nhóm 2 (đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch) gồm 12/23 địa phương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhóm 3 (cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch) gồm 3/23 địa phương: TP HCM, Bình Dương và Kiên Giang.

Nguyễn Liên

Ngày 15/9 ghi nhận 10.585 ca Covid-19, thêm 14.189 người khỏi bệnh

Ngày 15/9 ghi nhận 10.585 ca Covid-19, thêm 14.189 người khỏi bệnh

Bộ Y tế ngày 15/9 công bố 10.585 ca Covid-19, giảm 87 bệnh nhân so với hôm qua. Hiện tổng số người mắc Covid-19 trong cả nước đã lên tới 645.640 trường hợp.