Loại kẹo trộn tân dược giúp tăng sức mạnh quý ông chưa được cấp phép tại Việt Nam |
Qua rà soát, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế khẳng định, sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power chứa tân dược giúp “tăng sức mạnh quý ông” chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Mới đây, Cục ATTP nhận đươc thông báo Cơ quan Khoa học Y tế Singapore phát hiện sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power chứa tân dược Tadalafil - chuyên điều trị chức năng tình dục ở nam giới.
Cụ thể, sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power có thành phần ghi trên nhãn gồm: Non Dairy Creamer, Sugar, Instant Coffee Powder, Maca Powder, Catuaba Powder, Saw Palmetto, Tongkat Ali Extract, Superba Extract, Sky Fruit Extract; đóng dạng gói; Sản xuất bởi California Pure (Mỹ) bị phát hiện chứa Tadalafil (129,07mg/gói).
Rà soát trên các mạng xã hội, website của Việt Nam cũng thấy xuất hiện các dòng quảng cáo giới thiệu loại "kẹo" đặc biệt dành cho nam giới này, với lời quảng cáo gồm các thành phần thảo dược giúp tăng sức mạnh quý ông.
Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ cấp phép từ tháng 9/2014 đến nay, Cục ATTP khẳng định không cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố cho sản phẩm thực phẩm nêu trên.
Được biết, tadalafil là một tân dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới, là thuốc điều trị theo đơn.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, thực trạng trộn tân dược vào các sản phẩm sinh lý đã được cảnh báo từ lâu. Một số sản phẩm gắn mác thảo dược nhưng khi kiểm tra lại phát hiện có chứa tân dược, vốn là các thuốc điều trị các bệnh sinh lý nam giới cần có chỉ định, kê đơn.
Vì thế, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn người tiêu dùng cần: Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm ); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự, đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng.
N. Huyền