- Để tránh lạm dụng làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, Bộ Y tế quyết định đưa salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt.
>> Công ty dược tuồn 200kg chất tạo nạc cho chăn nuôi
Ngày 23/3, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Cục vừa đề xuất bổ sung salbutamol vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" trong luật Dược sửa đổi cùng với các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và phóng xạ.
Theo ông Đỗ Văn Đông, Cục Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay, chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị hen, ngăn có thắt phế quản, viêm phế quản mạn tính...
Năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện người chăn nuôi trộn salbutamol vào thức ăn để làm chất tạo nạc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng |
Hoạt chất này do Bộ Y tế quản lý nhằm phục vụ nhu cầu điều trị bệnh, không thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên trong năm 2015, khi cơ quan chức năng phát hiện một số đơn vị có sai phạm trong việc tuồn salbutamol ra bên ngoài, nghi bị sử dụng để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu hoạt chất này và yêu cầu siết khâu quản lý.
Để kiểm soát, các cơ sở kinh doanh thuốc phải đáp ứng điều kiện về đảm bảo an ninh, đảm bảo kiểm soát không để xảy ra thất thoát hay sử dụng Salbutamol trái mục đích phòng bệnh, chữa bệnh.
Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát đường đi và quá trình sử dụng thuốc. Khi phát hiện vi phạm, chế tài xử phạt hành chính sẽ nặng hơn rất nhiều so với các thuốc thông thường khác.
"Nếu được đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt, Salbutamol sẽ được kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến phân phối, sử dụng. Khi đó việc cấp phép nhập khẩu hoạt chất này sẽ chỉ được tiến hành khi có báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất và tồn kho", ông Đông nhấn mạnh.
Salbutamol là chất bị cấm dùng trong chăn nuôi từ năm 2014. Theo các chuyên gia, khi sử dụng Salbutamol làm trộn vào thức ăn để tạo nạc, người tiêu dùng ăn phải thịt này có nguy cơ bị ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Khi tác động vào hệ cơ, hệ mạch sẽ gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong.
T.Hạnh