Game không chỉ là lập trình
TS. Renusha Athugala - Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế Game tại RMIT Việt Nam chia sẻ: “Người ta thường nghĩ rằng làm game là làm lập trình”.
“Sự hồi sinh của board game (trò chơi cờ bàn) cho thấy hiểu biết về thiết kế game đã được mở rộng và lập trình chỉ là phần của game kỹ thuật số”.
Lịch sử của board game trong các nền văn hóa toàn cầu cho thấy game, vừa phục vụ nhu cầu giải trí vừa là văn hóa, đã đồng hành cùng nhân loại qua nhiều thế kỷ.
Board game có định nghĩa riêng. TS. Agnieszka Kiejziewicz - giảng viên ngành Thiết kế Game của RMIT chỉ ra rằng: “Board game là hình thức chơi theo cấu trúc có thể chứa các thành phần và quy tắc hữu hình, kịch bản, quân cờ và cơ chế”.
“Board game có thể có những mục tiêu khác nhau, như thu thập vật phẩm, hoàn thành nhiệm vụ, giành chiến thắng trong các cuộc đua hay đánh bại đối thủ”, bà bổ sung thêm.
Tiềm năng của board game tại Việt Nam là không thể phủ nhận. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hằng năm (CAGR) dự kiến ở mức 13,73% giai đoạn 2022-2029, thị trường này sẽ mở rộng đáng kể, đạt giá trị ước tính là 15,47 triệu USD vào năm 2029.
Theo quan sát của các giảng viên RMIT, board game thường gắn liền với các tương tác xã hội, thêm phần hấp dẫn nhờ tạo ra cơ hội cạnh tranh vui vẻ giữa những người bạn. Trải nghiệm với xúc giác cũng làm cho board game trở nên độc đáo, kích thích nhiều giác quan trong khi chơi.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Maztermind - một công ty Việt Nam chuyên thiết kế và sản xuất board game chất lượng cao, cho biết: “Board game là ‘cái cớ’ để mọi người đặt điện thoại xuống, giúp gia đình và bạn bè gắn kết cũng như học hỏi lẫn nhau”.
Board game cũng được kỳ vọng góp phần phát triển trí thông minh và tư duy chiến lược, là một sản phẩm mang tính nhân văn.
Từ người chơi đến nhà thiết kế game
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng thiết kế board game không chỉ đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về luồng chơi và các thành phần của game, mà còn cần có đam mê thực sự.
TS. Kiejziewicz tin rằng văn hóa địa phương có thể là nguồn cảm hứng quan trọng cho các nhà thiết kế game. Bà nói: “Những board game song hành cùng lịch sử hoặc văn hóa dân gian địa phương dễ cộng hưởng được với người chơi nơi đó, tạo cảm giác thân thuộc và kết nối qua kiến thức cùng chia sẻ”.
TS. Athugala bổ sung: “Các thành phần như nhân vật, giá trị, chuẩn mực và truyền thống có thể ảnh hưởng đến cả sự tiếp nhận và cơ chế trò chơi".
“Mặt khác, việc thích ứng với thị trường địa phương liên quan mật thiết đến marketing và phân phối”.
Các chuyên gia Đại học RMIT cho rằng board game Việt Nam cần có cả sức hút với thị trường quốc tế và đậm đà bản sắc địa phương, đóng vai trò như một phương tiện để mang văn hóa Việt ra thế giới.
Theo TS. Athugala, Việt Nam có truyền thống mạnh mẽ về board game, với các studio như Maztermind đang đóng góp cho ngành này bằng cách địa phương hóa các trò chơi toàn cầu và tạo dựng được danh tiếng trên trường quốc tế. Trong khi đó, những studio như Ngũ Hành Games tập trung vào việc thiết kế các board game có nội dung gốc độc đáo.
Từ góc độ một nhà thiết kế board game, ông Toàn nhấn mạnh rằng việc địa phương hóa game là rất quan trọng. Theo ông, thách thức lớn nhất là lồng ghép các giá trị văn hóa vào sản phẩm.
Ông nói: “Bạn cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và tìm ra những câu chuyện mà không phải ai cũng biết, khám phá ra cái mới hoặc điều gì đó tuy cũ kỹ nhưng chưa ai phát hiện ra”.
Phát triển board game cần phải có đam mê, mục đích và khả năng tài chính để tạo ra thành phẩm vừa có ý nghĩa vừa tạo ra lợi nhuận.
Để khuyến khích học tập sáng tạo và tư duy đổi mới dựa trên thực hành, ngành Thiết kế Game của RMIT đã hợp tác với Maztermind tổ chức Ngày hội board game RMIT x Maztermind dành cho sinh viên, cán bộ giảng viên, cựu sinh viên cũng như những người đam mê board game tại TP.HCM.
TS. Athugala cho biết: “Chúng tôi muốn cho sinh viên thấy rằng có nhiều khía cạnh trong thiết kế game và thiết kế board game nên được coi là một hướng phát triển sự nghiệp khả thi”.
“Ngoài ra, chúng tôi còn tìm cách nâng cao tư duy phản biện cho sinh viên bằng cách thu hút các bạn tham gia vào các hoạt động vui chơi đem đến những góc nhìn mới và trải nghiệm quý giá”, ông nói.
Ngày hội cũng cho sinh viên những kết nối mới với người trong ngành và cơ hội thực tập tiềm năng đa dạng.
Tại sự kiện, PGS. Donna Cleveland - Quyền Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT, nhấn mạnh: “Sinh viên Thiết kế Game RMIT có thế mạnh về khả năng sáng tạo và đổi mới, với các kỹ năng điêu luyện trong cả phát triển trò chơi kỹ thuật số và truyền thống”.
“Thông thạo chuyên môn kết hợp với hiểu biết sâu sắc về cơ chế và giá trị của trò chơi, giúp các bạn tạo ra được những trải nghiệm cuốn hút và ý nghĩa”, PGS. Donna Cleveland nói.
Hướng tiếp cận học tập một cách toàn diện này đảm bảo rằng sinh viên RMIT không chỉ thông thạo kỹ năng chuyên ngành mà còn có khả năng tư duy bao quát, sẵn sàng tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong ngành thiết kế game.
Matthew Povey, sinh viên năm thứ hai ngành Thiết kế Game Đại học RMIT nhận xét: “Chương trình nâng cao khả năng sáng tạo bằng cách cho phép sinh viên tự do khám phá bất kỳ ý tưởng nào chúng tôi chọn”.
Cậu bạn quyết định học Thiết kế Game vì: “Game không chỉ để giải trí. Chúng cũng có thể đóng vai trò là công cụ giáo dục, thúc đẩy sự cạnh tranh và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, mở đường cho một tương lai đầy hứa hẹn”.
Doãn Phong