Qua các vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện đang có hai dạng sổ đỏ giả phổ biến. Loại thứ nhất là sổ làm từ phôi thật được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp cho các địa phương. Các phôi này bị đánh cắp rồi tuồn ra ngoài, cung cấp cho các đối tượng làm giả. Loại thứ hai là giấy tờ giả hoàn toàn nhưng được thực hiện một cách tinh vi từng chi tiết, có thể qua mắt được công chứng viên.
Tuy nhiên, các loại giấy tờ giả đôi khi vẫn có điểm khác biệt so với giấy tờ thật. Nếu tinh ý và kiểm tra kỹ thì người dân vẫn có thể nhận ra được những dấu hiệu bất thường. Đó là những sơ suất khi các đối tượng làm giả mắc phải như tên địa danh, địa chỉ lô đất, phường, xã…
12 quyển sổ đỏ giả trong vụ án ở Phú Quốc (Kiên Giang) bị khởi tố vào tháng 5/2020 (Ảnh: Báo Công an TP.HCM) |
Người mua cũng có thể xem xét kĩ các chữ ký trên giấy tờ giả. Do được làm giả nên phần chữ ký này thường không dứt khoát, không sắc nét như chữ ký thật, chúng không có vết hằn ở lực tỳ ấn khi ký.
Về hình thức sổ, đối với những cuốn sổ đỏ được ép plastic thì khả năng chúng là sổ đỏ giả khá cao. Bởi lẽ sổ đỏ thường được làm giả bằng cách quét lại sổ thật rồi in màu thành từng mặt, dán lại với nhau nên để không bị phát hiện thì chúng thường được ép plastic. Nếu tinh ý, sờ tay trên mặt sổ đỏ giả sẽ thấy những phần in nổi không có mà chỉ thấy hình ảnh.
Để kiểm tra, có thể sử dụng đèn pin hoặc nguồn chiếu sáng khác chiếu xiên góc 10 – 20 độ với mặt giấy. Nếu mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, thì đó là sổ thật vì được in bằng phương pháp in typo.
Còn nếu mã số hiệu bị đóng lệch đi so với hình dấu nổi, thì đó là sổ giả vì phương pháp in màu kĩ thuật. Thêm một chi tiết nữa là ở sổ giả, hình dấu được tạo ra bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung.
Ngoài ra, một số vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học nên cần kiểm tra kỹ như: số sổ, số vào sổ quyết định, loại đất, thời hạn, hình thức sử dụng, diện tích (bằng số, bằng chữ).
Đối với các sổ có trang bổ sung thì cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung, các vị trí của trang có bị tẩy xóa không và nhất là ở vị trí chuyển quyền sử dụng đất, diện tích; kiểm tra thêm phương pháp đóng dấu giáp lai của trang phụ lục với sổ.
Với sổ đã thế chấp nhiều lần thì kiểm tra kỹ phần đóng dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất hoặc Phòng tài nguyên và môi trường.
Thực tế cho thấy việc có khởi tố hình sự người bán có hành vi lừa đảo hay không chỉ là xử lý phần ngọn, khi hậu quả đã xảy ra rồi. Nhiều ý kiến cho rằng cái gốc để giải quyết tình trạng này phải bắt đầu từ ý thức của người đi mua đất. Nếu họ cẩn thận, làm đúng quy định thì khó rơi vào bẫy lừa đảo.
Cụ thể, để không trở thành nạn nhân, người dân phải hết sức tỉnh táo trong việc mua bán. Nhằm dễ tìm kiếm "con mồi" các đối tượng mua bán bằng giấy tờ giả thường hạ giá tài sản thấp hơn so với thị trường. Khi mua bán, chúng thường "dễ dãi" một cách đáng ngờ để thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh chóng.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu khả nghi, người mua phải thận trọng hơn và có sự kiểm chứng giấy tờ thật kỹ lưỡng tại các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện giao dịch mua bán. Nên thực hiện theo nguyên tắc tìm hiểu kỹ pháp lý lô đất, ngôi nhà (chủ sở hữu lô đất, tình trạng lô đất có thế chấp, tranh chấp gì hay không) và chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ sở hữu bất động sản đó.
Khi cấp sổ đỏ cho người dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi trong hồ sơ lưu số phôi và số quyết định cấp. Chỉ cần so sánh hai số này, nếu một hoặc cả hai đều không có trong hồ sơ lưu tại các địa phương thì đó là sổ giả, kể cả trường hợp sổ giả được in trên phôi thật.
Hương Linh (Tổng hợp)
Bộ trưởng Xây dựng: Xem xét xử lý hình sự chủ đầu tư chây ì làm sổ đỏ
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị chính quyền các địa phương nghiêm khắc xử phạt chủ đầu tư cố tình chây ì làm sổ đỏ cho người dân thậm chí nếu vẫn cố tình thì chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự.