- “Bạn cứ bóp còi inh ỏi chả khác nào quăng bịch rác thối vào mặt người khác. Gặp người lịch sự họ chịu đựng, chứ gặp người cục tính và "kém" lịch sự thì chị Huệ ăn tát là lẽ đương nhiên” – độc giả Tú Phong bức xúc.


Ngay sau khi câu chuyện chị Huệ (Tân Mai – Hoàng Mai – Hà Nội) bị một thanh niên chặn xe và tát vì bấm còi xin vượt đường được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về tòa soạn thế hiện sự bức xúc đối với việc sử dụng còi xe "vô tội vạ" của một số người khi tham gia giao thông. Một số độc giả thậm chí còn đồng tình với cách hành xử của cậu thanh niên.

Số độc giả khác bình tĩnh hơn thì cho rằng, việc chàng thanh niên cũng là không thể chấp nhận được nhưng họ cũng không thể "bênh" tiếng còi xe của chị Huệ được.

Bấm còi vô tội vạ là xúc phạm người khác

“Nói thật, cứ ra đường là bấm còi, tôi cực căm ghét những loại người khủng bố người khác bằng tiếng ồn thế này. Bao nhiêu lần tôi nghe những tiếng còi chát chúa nhưng ráng kiềm chế để không dừng xe và tát vào mặt mấy người bất lịch sự đó. Ráng lịch sự một chút khi ra đường, hãy biết rằng tiếng còi xe là một thứ xúc phạm đến người khác, nó là ô nhiễm tiếng ồn. Bạn cứ bóp còi inh ỏi chả khác nào quăng bịch rác thối vào mặt người khác. Gặp người lịch sự họ chịu đựng, chứ gặp người cục tính và "kém" lịch sự thì chị Huệ ăn tát vào mồm là lẽ đương nhiên. Chị quăng tiếng còi vào tai người ta, người ta "quăng" cái tay vào mặt chị thì kêu ca gì nữa. Tôi không tán thành kiểu dùng bạo lực như anh thanh niên, nhưng cũng phải chỉ trích mạnh cái thói "thích bóp còi" của chị Huệ” – độc giả Tú Phong lên tiếng.

Đây cũng là ý kiến nhận được khá nhiều sự ủng hộ của độc giả, bởi lẽ theo nhiều độc giả việc bấm còi một cách “vô tội vạ” khi tham gia giao thông là vấn đề đã và đang khiến rất nhiều người bức xúc. 

Biết là đang tắc đường, nhưng nhiều người vẫn bấm còi inh ỏi gây bức xúc cho những người tham gia giao thông khác.

Nhiều người tham gia giao thông không hiểu rằng, còi chỉ nên sử dụng trong những trường hợp cảnh báo nguy hiểm hoặc trong trường hợp thực sự cần thiết.

“Đối với những người có thói quen cứ lên xe là bấm còi, đang dừng đèn đỏ cũng bấm còi, tắc đường cũng bấm còi ầm ĩ, chẳng lẽ họ không hiểu rằng khi đường đang tắc thì phía trước phía sau đều tắc, biết đi đâu mà cứ bấm còi . Rồi thậm chí có người, vào đến trong ngõ nhỏ, đứng trước cửa nhà rồi vẫn còn có thói quen dùng còi thay chuông, khiến cả xóm ức chế … thì đúng là hành động của những kẻ mất lịch sự” – độc giả Nguyên Huy bức xúc.

Đồng ý với độc giả Nguyên Huy, độc giả Bùi Năng Nhiệm cũng cho rằng: “Tiếng còi thay lời nói, cứ bấm còi giống như chửi người ta . Tránh đường, tránh đường, tránh đi đâu khi đằng trước đằng sau đều tắc. Thử hỏi như thế có đáng ăn đòn không?”

Bấm còi cũng phải văn minh


“Thú thật với chị Huệ (nhân vật trong bài viết), tôi là một trong những người rất dị ứng với tiếng còi xe, nghĩ cũng lạ, người ta có thể ngồi nhậu vài tiếng đồng hồ, ngồi chát thâu đêm, ngồi cafe nửa ngày... nhưng mà cứ lên xe là cứ như đi thăm người nhà đang cấp cứu, còi nhấn liên tục, nhất là phía Bắc, hình như cứ lên xe là phải nhấn còi, riết rồi thành thói quen. Trong Sài Gòn, khi lưu thông trên đường mà nghe tiếng còi xe liên hồi, y như rằng đó là một người gốc Bắc. Tất nhiên người Sài Gòn chưa phản ứng quá đáng như anh chàng kia, nhưng đó cũng là một bài học về văn hóa giao thông mà chị cần phải thuộc, có nhiều người còn phải trả giá bằng một mạng sống đấy chị ạ” – độc giả Hai Lua bày tỏ. 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cùng chung quan điểm này, độc giả Fatboy cũng cho rằng, việc bấm còi xin vượt đường không phải là xấu vì nhà sản xuất chế tạo ra chiếc còi xe cũng là nhằm mục đích này. Tuy nhiên sử dụng còi sao cho đúng lúc đúng chỗ, thì lại là chuyện mà không phải ai cũng làm được.

Độc giả Fatboy viết: “Khi tham gia giao thông, chỉ nên bấm còi khi có tình huống không an toàn. Bởi vì, cùng với nạn kẹt xe, ngập nước, khói bụi... những tiếng còi vô tội vạ (nhất là của xe buýt và taxi) khiến người ta rất khó chịu và dễ mất bình tĩnh. Ai có thói quen bấm còi nên đi thu xếp đi nước ngoài một chuyến (Thái Lan cũng gần) sẽ thấy.. hơi bị xấu hổ. Người có ý thức cũng nên chỉ bảo cho người thân về vấn đề văn hóa giao thông trên để nâng cao ý thức và tránh bị.. ăn tát như chị kia.. Sau cùng, các cơ quan chức năng cũng phải có hình thức chế tài rõ ràng đối với những người điều khiển phương tiện giao thông mà tay có thói quen cứ lăm lăm bấm còi”.

“Đối với những người thích bóp còi, thì trước khi "bóp còi" thì cũng nên coi lại. Nếu mình không thích người khác làm mình giật mình vì tiếng còi thì cũng xin đừng bóp còi” – độc giả Chung Suc nói.

Về trường hợp chị Huệ bị tát khi bấm còi xin vượt đường, độc giả Vũ Hà cho rằng “Khi vào ngõ nhỏ không nên bấm còi, vào ngõ nhỏ mà bạn đi nhanh đến mức khi phanh lại bánh xe bị rê đi mấy mét? Bạn không nhận thức được là khi vào ngõ nên hạn chế tốc độ và không nên bấm còi hay sao? Khi đi đường nên hạn chế tối đa sử dụng còi. Vào ngõ nhỏ nên hạn chế tốc độ”.

Hơn nữa, “vào ngõ phải đi chậm, để tránh trường hợp có ai từ trong nhà đi ra, vậy mà nhiều người vô ý thức cứ bấm còi loạn xạ xin vượt, mà ngõ nhỏ vượt làm sao được” – một độc giả khác nói thêm .

>> Mời quý vị bấm VÀO ĐÂY để xem thêm và gửi ý kiến tham gia diễn đàn.

Minh Minh (tổng hợp)