BS. Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, chia sẻ quan điểm đồng tình với giải pháp sử dụng sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (hay còn gọi là test nhanh) để phát hiện sớm các ca bệnh trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR. Việc triển khai cách sử dụng test nhanh song song với xét nghiệm khẳng định RT-PCR giúp truy vết nhanh các trường hợp F0 để giảm sự lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.
Hiện nay, TP.HCM đang có chủ trương cho người dân tự test nhanh nCoV tại nhà. Đây là việc làm giúp giảm gánh nặng cho ngành y tế và phát hiện nhanh F0 để đưa đi cách ly, điều trị. Kết quả test nhanh kháng nguyên hiện cũng là hình thức được Sở Y tế TP.HCM lấy làm căn cứ cho các F0 xuất viện, cách ly theo dõi tại nhà.
Tự xét nghiệm nhanh tại những vùng, những nhóm nguy cơ cao
BS. Khanh gợi ý ở những khu vực có nguy cơ cao có thể làm test nhanh tại chỗ nhằm sàng lọc bước đầu trước khi quyết định xét nghiệm RT-PCR theo mẫu gộp hay mẫu đơn. Việc xét nghiệm này có hiệu quả và tiết kiệm, tránh mất sức cho nhân viên y tế và mất công cho người dân phải xét nghiệm RT-PCR nhiều lần.
Theo đề xuất của BS. Khanh, các nhóm nên tự thực hiện làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà bao gồm: xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm bệnh, đặc biệt nếu trong nhà có các thành viên khác cũng có dấu hiệu tương tự thì càng nên thực hiện test nhanh; Nếu cảm thấy lo lắng cho bản thân và người thân trong gia đình đang mắc bệnh; Nếu có tiếp xúc gần với F0 là đồng nghiệp hoặc F0 là thành viên trong gia đình.
Các nhóm nguy cơ cao do phải thường xuyên đi ra khỏi nhà để làm việc do đặc thù công việc như: giao hàng; nhân viên tại các cửa hàng thiết yếu; đi làm tình nguyện hỗ trợ tại các điểm nóng dịch;… cũng được gợi ý thực hiện xét nghiệm nhanh theo định kỳ để sớm phát hiện, sàng lọc, tránh lây nhiễm ra cộng đồng nếu không may mắc bệnh trong quá trình làm việc.
Sử dụng đúng giúp sàng lọc bước đầu hiệu quả
Theo BS. Khanh, tự xét nghiệm nhanh tại nhà có các bước thực hiện khá đơn giản, kết quả cho ra nhanh chỉ sau 15 - 20 phút và rất dễ dàng đọc kết quả. Nồng độ virus nhiều hay ít cũng có thể quan sát được dựa trên kết quả hiển thị trên mẫu xét nghiệm nhanh.
Nếu có kết quả dương tính thì khả năng cao là trường hợp nghi nhiễm, tuy nhiên cần bình tĩnh liên hệ cơ quan y tế để có hướng dẫn tiếp theo cho việc thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán khẳng định.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp xét nghiệm âm tính, BS. Khanh cũng lưu ý không nên sinh ra tâm lý chủ quan vì xét nghiệm nhanh không có ý nghĩa chẩn đoán khẳng định.
BS. Khanh cho rằng, vẫn sẽ có những trường hợp F0 nhưng nồng độ virus ở họng thấp, hoăc nếu cơ thể mới nhiễm virus (nồng độ virus mới bắt đầu tăng) hoặc cơ thể có nhiễm virus nhưng đang giảm dần (sắp hết bệnh) thì vẫn sẽ có trường hợp kết quả âm tính giả. Do đó, kết quả dù âm tính vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K, nếu thuộc diện các “F” thì phải tiếp tục theo dõi y tế, cách ly, thực hiện theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế. Đối với các trường hợp F1 đang cách ly tại nhà, nếu có điều kiện thì thực hiện test nhanh lại vào ngày thứ 3 (kế từ khi cách ly), khi xuất hiện các triệu chứng (nếu có), và vào ngày thứ 15.
Đối với các nhóm nguy cơ cao do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên phải đi ra ngoài và tiếp xúc nhiều người, đi vào các vùng tâm dịch… được gợi ý nên thực hiện xét nghiệm nhanh vào 1 lần một tuần, hoặc nếu có điều kiện thì thực hiện vào mỗi 2 lần một tuần.
Chủ các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề vẫn phải hoạt động, sản xuất nên cung cấp xét nghiệm nhanh thường xuyên cho người lao động tại nơi làm việc nhằm sàng lọc nhanh chóng nếu có ca nghi nhiễm, tránh lây lan dịch bệnh tại nơi làm việc và ra cộng đồng.
Xử lý rác thải của các mẫu xét nghiệm nhanh
Tương tự như khẩu trang và quần áo bảo hộ, bộ xét nghiệm nhanh sau khi qua sử dụng cũng cần được xem như rác thải y tế và cần được phân loại bỏ vào một túi riêng khi xử lý. Các vật dụng đã sử dụng từ mỗi lần thử nghiệm bao gồm que thử, tăm bông và ống chiết, nên được cho vào túi nhựa nhỏ, sau đó đưa vào túi phân loại rác thải y tế.
Đối với các trường hợp xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính, lúc này cần xem như đây là loại rác thải có nguy cơ lây nhiễm và không thể tái chế, cho ngay vào túi nhỏ và đưa vào thùng rác đựng chất thải y tế có nắp đậy kín theo quy định, làm theo hướng dẫn của cơ quan y tế khi xử lý các loại rác thải này.
Tránh để các loại rác thải y tế và rác thải có nguy cơ lây nhiễm ở gần bếp, không gian kín… nên đưa ra một nơi riêng thông thoáng hoặc một thùng rác riêng cho đến khi được thu gom đưa đi xử lý.
Trong tháng 7/2021, Bộ Y tế đã công bố, cập nhật danh sách 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, trong đó có 15 loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ... Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường. Hiện nay các chuỗi nhà thuốc lớn như Pharmacity đã có bán sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên được cấp phép bởi Bộ Y tế. Các nhà thuốc bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm Covid-19 (ví dụ các test nhanh) phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế. |
Quế Anh (ghi)