Ngân hàng thực đơn đặc biệt cho bữa trưa bán trú
Việc mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho các em học sinh không hề đơn giản, đòi hỏi đội ngũ cán bộ bán trú có trình độ chuyên môn về dinh dưỡng. Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng - một nội dung thuộc Dự án Bữa ăn học đường là một công cụ hỗ trợ các trường tiểu học bán trú khắc phục những khó khăn hiện tại, nhằm góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, từ đó giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của trẻ.
Phần mềm cung cấp một ngân hàng thực đơn đa dạng với 120 bộ thực đơn và 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa bán trú cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi. Các trường tiểu học có thể tự tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong thực đơn hoặc từ nguồn nguyên liệu phổ biến tại địa phương. Phần mềm cũng hỗ trợ nhà trường tính toán và quản lý hiệu quả chi phí bán trú.
Khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng được chế biến theo Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc Dự án Bữa ăn học đường. |
“Làn gió mới” ở trường tiểu học Đông Hòa B
Tại Bình Dương, Dự án Bữa ăn học đường được triển khai rộng rãi đến các trường qua Hội nghị triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ năm 2017. Sau 2 năm triển khai, trường tiểu học Đông Hòa B là một trong những đơn vị đi đầu và gặt hái nhiều thành công. Những kết quả khả quan này đến từ nỗ lực của nhà trường và Ban Quản lý dự án.
Sau Hội nghị, ban lãnh đạo trường Đông Hòa B đã phổ biến các nội dung cùng những lợi ích của Dự án đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Từ đó, nhà trường lên kế hoạch triển khai Dự án dựa vào tình hình thực tế. Ban giám hiệu cũng trao đổi và làm việc chặt chẽ với tổ bếp về thực đơn và công thức nấu ăn trong suốt quá trình triển khai.
Cô Lê Thị Nga- Phó hiệu trưởng cho biết: “Ngay từ tháng đầu tiên chúng tôi đã triển khai áp dụng thực đơn mới, một tuần chúng tôi chỉ áp dụng một ngày, sau đó dần dần tăng lên là hai ngày trong tuần. Và đến tháng thứ tư thì thực đơn thực hiện là năm ngày trong tuần. Sở dĩ chúng tôi thay đổi từ từ như vậy là do chúng tôi muốn các em làm quen với các món ăn mới và cũng giúp cho bộ phận phụ trách bán trú có thể sắp xếp công việc phù hợp”.
Nhà trường chủ động giới thiệu việc áp dụng Dự án tới phụ huynh học sinh thông qua các buổi họp thường niên, kênh thông tin chính thức của trường và mạng xã hội: Facebook, Zalo,… để phụ huynh tiện theo dõi hoạt động của Dự án tại nhà trường.
Cô Đinh Thị Hồng- Giáo viên lớp 3/2 cho biết: “Các phụ huynh rất vui khi được nhìn thấy thông tin cũng như hình ảnh các bữa ăn. Một số phụ huynh còn mong muốn có bộ thực đơn để tham khảo và nấu cho con em vào cuối tuần”.
Cô và trò tại trường Đông Hòa B cùng nhau tìm hiểu những kiến thức dinh dưỡng |
Ngoài 3 phút trước mỗi giờ ăn khi học sinh được giới thiệu thông tin dinh dưỡng có trong bữa trưa hàng ngày, nhà trường còn in và treo các áp phích khổ lớn dọc hành lang và nhà ăn để phục vụ cho công tác giáo dục về dinh dưỡng cho các em.
Đại diện Ban quản lý Dự án thuộc Công ty Ajinomoto Việt Nam thường xuyên thăm hỏi và theo dõi, hỗ trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình nhà trường triển khai Dự án. |
Trong suốt quá trình triển khai Dự án, nhà trường nhận được sự hỗ trợ và giải đáp từ Ban quản lý Dự án, Công ty Ajinomoto Việt Nam.
Không chỉ ghi nhận ý kiến của đội ngũ cán bộ và giáo viên, nhà trường cũng phát động phong trào “Điều em muốn nói” để chủ động lắng nghe nguyện vọng của các em học sinh - đối tượng trực tiếp thụ hưởng những lợi ích của Dự án, từ đó có những điều chỉnh trong thực đơn để phù hợp với sở thích của các em mà vẫn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng, đầu tư và phát triển từ năm 2012, gồm 3 nội dung trọng tâm: Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng, áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” và mô hình “Bếp ăn mẫu bán trú”. Bên cạnh sự tư vấn và hỗ trợ về mặt chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, Dự án cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GD-ĐT trong công tác triển khai đến các trường. Tính đến tháng 05/2019, Dự án Bữa ăn Học đường đã được triển khai đến 50 tỉnh thành với hơn 3.100 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc. |
Minh Tuấn