LTS: Nhiều người đàn ông được kì vọng giữ vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, chính sự kì vọng ấy lại trở thành nỗi khổ, áp lực khiến họ gặp những tổn thương về sức khỏe, tinh thần.

VietNamNet giới thiệu chia sẻ của một số đàn ông Việt, những người là nạn nhân của quan niệm đàn ông phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình... Loạt bài viết nhằm hướng đến cách nhìn nhận mới, bớt đi gánh nặng và chữa lành những thương tổn mà quan niệm truyền thống đang đặt lên vai họ.

Gánh nặng cơm áo

Thấy chiếc bóng của mình chỉ còn như một chấm tròn dưới chân, anh Bùi Đình Thông (35 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) mới tắt chiếc máy đục bê tông cầm tay. Mặc cho bụi đất, đá phủ kín mặt, anh mở hộp cơm ra ăn tạm dưới bóng mát của cây cầu cũ.

Anh tranh thủ ăn rồi lại nổ máy, đục những mảng bê tông cốt thép gãy đổ trước căn nhà khang trang. Thông là thợ hồ. Tuy nhiên, ngày cuối tuần, anh không nhậu hay nghỉ ngơi như đồng nghiệp. 

Thay vào đó, anh nhận công việc sửa lại chiếc cầu bê tông bắc qua con kênh nhỏ, dẫn vào nhà người khách quen. Anh cố gắng hoàn thành việc sớm để về nhà trọ nghỉ ngơi. Bởi sau đó, anh còn đến chợ đầu mối bốc dỡ hàng cho vựa rau.

Anh làm việc từ 0h đến khoảng 4h sáng mới trở về nhà và chỉ có 3 giờ đồng hồ để nghỉ ngơi, chuẩn bị bữa sáng, trưa trước khi đến công trình trộn vữa, vác xi măng… Những ngày không có công trình, anh chạy chiếc xe máy cũ ra chợ, nhận thở thuê, giao hàng kiếm thêm.

Thông gần như không cho phép mình nghỉ ngơi. Với anh, kiếm tiền là nhiệm vụ hàng đầu và phải làm trong mọi hoàn cảnh. Anh nói: “Sau tôi còn có 2 đứa em đang đi học. Cha mẹ đều quá tuổi lao động nên tôi phải làm để nuôi thân và các em. 

Nếu không làm ra tiền, tôi không lo được cho mình mà các em cũng phải nghỉ học. Mỗi tháng, tôi phải gửi về cho gia đình 3-5 triệu đồng”.

Đàn ông Việt chịu áp lực trở thành trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn tinh thần.

Áp lực “đầu tàu”

Trong khi đó, ngoài gánh nặng kiếm tiền, làm trụ cột gia đình, anh Hoàng Long (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) còn chịu áp lực “trở thành đầu tàu kinh tế cho anh em, dòng họ”. Là con của người trưởng họ, từ khi còn nhỏ, Long đã được dạy phải có trách nhiệm với tổ tông.

Để thực hiện kì vọng trên, trong 1 năm, Long nhảy việc đến 3 lần. Trong lần thứ 3, anh từ bỏ công việc mình yêu thích để đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới với sự hiểu biết của mình.

Long tâm sự: “Quyết định nghỉ công việc mình yêu thích, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nếu cứ làm công ăn lương, không biết đến khi nào tôi mới lo được cho gia đình, bố mẹ. 

Hơn thế, cái đích cuối cùng của tôi là muốn gia đình, dòng họ có chỗ đứng trong xã hội. Nói cho cùng, chẳng ai muốn gia đình, người thân của mình nghèo mãi. Tôi đang phải cố gắng rất nhiều”.

Vị trí con trai của người trưởng họ cũng đẩy Long về phía áp lực phải sinh con trai để “củng cố vị thế trưởng họ”, “nối dõi tông đường”, “nhang khói cho tổ tiên”. Mỗi ngày, anh phải tìm cách dỗ dành vợ để cô đồng ý ăn uống các loại thực phẩm, thuốc bổ do mẹ lựa chọn. 

Long cũng thuê bác sĩ rồi tuân theo phác đồ điều trị, ăn uống kiêng khem với hi vọng sinh được con trai. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù gia đình hay ngoài xã hội, anh cũng phải đối mặt với áp lực sinh con trai.

“Bố mẹ luôn nói nếu không sinh được con trai, tôi có lỗi với ông bà, dòng họ. Trong các dịp giỗ chạp, chuyện tôi chưa sinh con trai cũng bị mọi người đem ra bàn tán, dị nghị. Có người còn không muốn tôi ngồi chung mâm”, Long nói.

Cùng lúc chịu nhiều áp lực khiến người đàn ông mệt mỏi. (Ảnh minh họa: Pinterest).

Cô đơn trong gia đình, lạc lõng giữa xã hội 

Đau khổ hơn, Long không có được sự chia sẻ, đồng cảm từ gia đình, người thân. Dù rất áp lực nhưng anh không dám chia sẻ với vợ. Mỗi lần gia đình thiếu hụt sau khi tổ chức giỗ chạp trong dòng họ, anh đều bị vợ nặng nhẹ là “chỉ chăm chăm đem tiền của đi lo cho người ngoài”. 

Vũ Quang Tuấn (40 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình, lạc lõng giữa xã hội. 35 tuổi, Tuấn yêu và cưới con gái của giám đốc công ty mình đang làm. 

Sau kết hôn, từ nhân viên bình thường, anh được cất nhắc lên giữ chức trưởng phòng. Anh có nhà cửa, xe ô tô riêng. Tuy vậy, cuộc sống nhiều người mơ ước ấy lại khiến Tuấn ngột ngạt. 

Anh luôn có cảm giác mình ở rể, sống bám váy vợ. Bởi, tất cả những thứ đang có, anh đều được nhà vợ hỗ trợ. Để thoát khỏi cảm giác ấy, Tuấn đặt mục tiêu phải “mua nhà riêng bằng tiền của mình, phải giàu để bố mẹ ruột ngang hàng với thông gia”. 

Anh chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi phải đối mặt với gánh nặng kiếm thật nhiều tiền, trách nhiệm chăm lo bố mẹ, anh em trong nhà. Thế nhưng, khi mệt mỏi vì những áp lực ấy, tôi không thể chia sẻ với ai dù là với người thân, bạn bè hay ngoài xã hội. 

Nhiều lúc, tôi cảm thấy cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình, lạc lõng giữa xã hội. Bởi, dù có đau khổ, mệt mỏi, tôi không tìm được ai và nơi nào để giãi bày, trút bỏ”.

Đối mặt với vô vàn áp lực nhưng không tìm ra lối thoát, tâm lý của Thông, Long, Tuấn… xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy một tỉ lệ đáng kể nam giới Việt Nam rơi vào trầm cảm, tổn thương tâm lý vì chịu quá nhiều áp lực...

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Kỳ 2: Những người đàn ông Việt không dám lấy vợ vì nghèo, thất bại