- Trời nắng oi ả, bà bán hàng nhấc tảng thịt từ mảnh bao dưới mặt đất lên nói giọng ngọt xớt: "Lấy cả chỗ này em nhé, 10 đồng thôi, rẻ thế còn chê gì nữa. Lấy nhanh không hết chợ"- chợ của những người có thu nhập thấp.
>> Thịt lợn siêu nạc có thể gây ung thư
>> Làm gì khi ăn phải thịt siêu nạc có độc?
>> Nhìn cảnh này ai dám ăn cua xay, thịt xay?
Dưới chân cầu Thăng Long vào giữa trưa nắng vẫn tấp nập người mua, kẻ bán, tiếng kì kèo mặc cả, tiếng mời chào của mấy bà bán thịt, những miếng thịt đã ngả màu, được bày bán trên những chiếc bao tải, người bán hàng phải cầm túi bóng phe phẩy liên tục cho ruồi bay đi. Cái nắng hè làm không khí của phiên chợ buổi trưa thêm phần ngột ngạt.
Đạm bạc… đời sống công nhân!
Anh Cường, 27 tuổi, công nhân làm việc ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ:
“Quanh đây vẫn có những chợ khác nữa, nhưng tôi hay mua ở đây, tôi cũng ít đi
chợ, nhưng nghe người ta nói là đây là hàng ế ở trên Hà Nội, buổi sáng không bán
hết thì đem về đây bán rẻ”.
Anh Cường sống trong một khu trọ cách khu công nghiệp khoảng 2km, anh quê gốc ở Thanh Hóa, ra Hà Nội làm việc được 6 năm nay, do gia đình cũng không có điều kiện học hành nên phải xin đi làm công nhân, thu nhập một tháng của anh cũng chỉ đủ để nuôi sống bản thân mình trên đất Hà Nội, Tết nhất cũng gọi là có một khoản nho nhỏ để về quê.
Thịt được bày bán trên những tấm bao tải trải
trên mặt đất. |
“Công nhân sống cũng vất vả lắm, làm cho công ty nước ngoài mà, làm thay phiên nhau từ ca sáng đến ca đêm, tôi làm chính vào ca đêm, ban ngày đi làm thêm, nếu không đi làm thêm bên ngoài thì thu nhập một tháng chỉ được hơn 2 triệu thôi, tùy vào sức khỏe mà có tháng làm thêm được nhiều, có tháng được ít” - Anh Cường nói. Ở khu trọ của anh Cường, hầu hết đều là công nhân, xuất thân gia đình làm nông nghiệp, vì khó khăn nên mới bon chen ra Thủ đô kiếm kế sinh nhai, vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền.
Vì sống một mình, nên anh Cường ít khi nấu ăn, để tiết kiệm chi phí, thi thoảng anh vẫn đem mì tôm lên chỗ làm để ăn qua bữa, một tháng nếu chỉ tính tiền ăn, anh tiêu mất khoảng gần 1 triệu.
“Bình thường, nếu anh đi chợ nấu cơm thì mất khoảng 20 nghìn 1 bữa, mua thịt ở chợ cũng rẻ, nên ăn uống cũng thoải mái. Tôi nghe người ta nói là nếu trên Hà Nội bán 100 nghìn/kg thì xuống dưới này chỉ còn 50 nghìn thôi. Thấy người ta mua nhiều thì mình cũng mua theo” – anh cười nói.
Trên Hà Nội bán 100 nghìn/kg thì dưới này chỉ
50 nghìn thôi. Nếu không có những cái chợ như thế này thì cuộc sống
của nhiều người điêu đứng. |
Cuộc sống của công nhân đạm bạc là thế. Tiền kiếm được không nhiều, chỉ đủ ăn uống và dành ra một khoản nho nhỏ, họ làm đủ các nghề để kiếm thêm thu nhập, có người đi làm ca sáng thì đêm đi bán trà đá ở chân cầu bụi bặm, có người làm ca đêm thì ban ngày đi bốc vác thêm kiếm nhặt từng đồng trong mồ hôi và đôi khi là cả những giọt nước mắt…
Ăn thịt ôi mãi thành quen!
Chị Hường, quê Thanh Hóa, hoàn cảnh gia đình éo le nên phải ra Hà Nội tự lập từ sớm, chị cũng là công nhân của khu công nghiệp Bắc Thăng Long, bố chị mang bệnh trong người, ốm đau triền miên, gia đình chị ở quê cũng chỉ làm ruộng, tiền chị dành dụm gửi về cũng giúp được bố mẹ trang trải một phần nào cuộc sống.
Chị thuê phòng trọ chung với hai người nữa nên cũng tiết kiệm được kha khá,
ba người cứ thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm, mỗi bữa đều căn trong một khoản
tiền nhất định sao cho tiết kiệm nhất có thể, các chị chẳng bao giờ phải suy
nghĩ nhiều về vấn đề hôm nay sẽ ăn món gì?, cứ ra chợ mua ít thịt, ít rau… thế
là xong bữa.
Biết thịt ôi mà vẫn mua, ăn mãi thành quen. |
“Chợ ở đây rẻ thế thôi em ạ, biết là nó không được tươi ngon nhưng ra chợ lớn thì đắt đỏ lắm, bây giờ cái gì cũng lên giá, công nhân làm sao chịu nổi” – Chị Hường nói. Biết là thịt ôi mà vẫn phải mua về ăn, ăn mãi rồi cũng thành quen, người khác nhìn vào có thể thấy rợn mình, nhưng đối với những người công nhân sống ở đây, nếu không có cái chợ đó có lẽ lại khiến cho cuộc sống của nhiều người điêu đứng khi phải đối diện với cơn bão giá ngoài thị trường.
Cứ tầm 12 giờ trưa chợ lại bắt đầu họp, thịt lợn, thịt gà…đủ cả, những chiếc xe thồ to đỗ ngay đầu chợ, bên trong là những con gà đã tím tái, những tảng thịt nằm trên lớp bao tải mỏng tang đặt trên mặt đất cứ qua tay người nọ, người kia, nâng lên, hạ xuống đủ kiểu, thậm chí thịt đã bốc mùi vẫn có người mua…vì giá rẻ.
Vì cuộc sống, vì mưu sinh mà nhiều người đành phải bất chấp sự bẩn thỉu, ăn
uống kham khổ để dành dụm tiền nuôi gia đình.
Nguyễn Nhung - Lương Lý