Đúng vào khoảnh khắc muốn trôi theo cám dỗ, bức thư của Mẹ đã khiến bạn tôi chùn bước, và quyết làm lại cuộc đời.

>> 'Đồ cũ, đồ mới' và những day dứt mùa Vu Lan

Nếu sáng sớm trở dậy, may mắn gặp nụ hồng đang hé nở, bạn sẽ thấy khoảnh khắc tuyệt diệu của sự sống. Những cánh hoa mỏng manh từ từ hé mở cho ta thấy thế giới kỳ ảo bên trong với hương thơm và vẻ đẹp không gì sánh nổi.

Nếu sáng sớm trở dậy, may mắn nhìn vào gương mặt con, bạn sẽ thấy nụ cười dường như còn vương trên làn môi thơ bé. Bạn sẽ thấy đôi mắt khép và hơi thở nhè nhẹ. Bạn muốn đặt lên má con một nụ hôn trong khoảnh khắc dịu dàng và bình yên.

Sáng sớm trở dậy, bạn im lặng mà lắng nghe tiếng lao xao trong ngõ hẹp, tiếng những người bán rong, tiếng xe đạp nhà hàng xóm đi chợ, tiếng con chó nhỏ sủa vang, tiếng chân người gánh gồng bước nặng... Bạn sẽ thấy thanh âm của cuộc sống. Bạn muốn làm gì đó, muốn cùng sống với họ trong từng khoảnh khắc mưu sinh nhọc nhằn và tràn đầy sinh lực của đời người.

Tôi luôn nghĩ về những khoảnh khắc ấy, những khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ như một cái chớp mắt vô cùng nhỏ bé giữa thời gian vô thủy vô chung. Nó có thể tan biến vào không gian và bị lấp đầy bởi thời gian. Có những khoảnh khắc khiến ta muốn nó dài mãi ra, ngưng đọng lại.

{keywords}

Nhưng cũng có những khoảnh khắc khiến tim ta ngưng đập...

Đó là khi, nếu sáng sớm trở dậy bạn đọc báo: Ngày cuối cùng của tháng 9/2014, ông Trần Tiến Dũng ở Cà Mau nhảy xuống kênh Xáng tự vẫn. Người đàn ông 43 tuổi này đã có 10 năm hành nghề bán vé số dạo. Sự tuyệt vọng đến với ông khi ông bị một kẻ lạ mặt lừa đổi tờ vé số trúng thưởng 3 triệu bằng 2 triệu đồng tiền mặt và 100 tờ vé số giả. Hết tiền, đau đớn vì bị đẩy vào đường cùng, phải vay mượn bạc lẻ chỉ để mua cơm ăn... ông tìm đến cái chết. [1]

Bạn sẽ tự hỏi vì sao lại có khoảnh khắc đổi trắng thay đen, gian dối lọc lừa cướp đi sinh mệnh quý giá của một con người?

Rồi một tin tức khác: Năm 2008, Tô Phương Trọng chỉ là một thiếu niên 14 tuổi đang học lớp 7 tại quê nhà ở xã Tân Thành, TP Cà Mau. Một vụ án hiếp dâm trẻ em 5 tuổi xảy ra, thế là Tô Phương Thành bị bắt vì nghi phạm tội. Sau 6 năm bị hàm oan, năm 20 tuổi, em mới được Tòa tuyên vô tội. Nhưng ngày được thả về, Trọng không còn nhớ đường vô nhà. 15 ngày sau khi gặp cha, ông mất vì tai biến. Mẹ của Trọng lâm bệnh nặng, liệt nửa người. Em trai của Trọng thất học, các anh chị bỏ đi làm mướn nuôi thân.[2]

Một bản bán oan sai đã khiến cuộc đời của một thiếu niên hoàn toàn thay đổi, và một gia đình tan nát!

Bạn sẽ tự hỏi khoảnh khắc mà những người cầm cán cân công lý đưa thiếu niên vô tội Tô Phương Trọng vào vòng lao lý, chặn đứng tương lai một đứa trẻ, không hiểu họ đã nghĩ gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm về sai sót trong khoảnh khắc chết người này? Người thanh niên Tô Văn Trọng mới 20 tuổi đang ôm đơn đi đòi bồi thường. Hành trình này sẽ dai dẳng đến bao giờ để có thể lấy được một khoản tiền chẳng thấm là bao so với cái giá mà em và gia đình đã phải gánh chịu.

Chúng ta cầu mong những khoảnh khắc đen tối không đến, cũng như cầu mong những tổn thương không xảy ra với kiếp người. Chúng ta cầu mong những khoảnh khắc tươi sáng mãi mãi, cũng như cầu mong hạnh phúc luôn ở lại.

Nhưng có lẽ cả hai, những khoảnh khắc đen tối và tươi sáng, chẳng thể nào tự đến, tự đi. Bởi tất cả chúng đều chỉ do chính con người chúng ta mà thôi, nói như Osho. Bởi vì ta có thể để lại cho đời một chút đẹp đẽ, một chút hạnh phúc, một chút hương thơm từ những khoảnh khắc ta quyết kiếm tìm một cái gì đó đúng đắn hơn, tốt đẹp hơn, thiện lành hơn...

{keywords}

Sáng sớm trở dậy, tôi bỗng nhớ một câu chuyện cũ: Bạn của tôi hồi trẻ ưa cuộc sống phóng khoáng, học xong trung học, anh xin cha mẹ cho vào đời. Sống bằng nghề phụ xe, anh lang thang hết tỉnh này sang tỉnh khác. Một đêm anh nhận được lời rủ rê từ một kẻ lạ mặt nhờ chuyển một lượng ma túy lớn với một món tiền công mà một người lơ xe như anh anh không thể tưởng tượng ra. Anh dao động trước sự cám dỗ.

Nhưng đúng vào khoảnh khắc ấy, anh nhận thư của Mẹ. Người mẹ nông dân ở một làng quê nghèo mạn Ninh Bình viết trong những hàng chữ nghiêng ngả, xiêu vẹo rằng con làm gì thì làm, nhưng không được làm điều sai trái, rằng dẫu ở đâu con cũng phải giữ cho được nếp nhà.

Tình thương và lời dặn dò của Mẹ khiến bạn tôi chùn bước, cảm thấy ngột ngạt và muốn tìm một lối sống khác. Nửa đêm anh trốn ra khỏi bến xe, tránh xa những kẻ ác và cạm bẫy, quay về ôn thi đại học. Mất một năm ròng rã học tập, anh đỗ vào Đại học Mỹ thuật TPHCM và trở thành họa sĩ.

Khoảnh khắc, là một thành ngữ trong tiếng Latin "Carpe diem". Nó nghĩa là "Hãy sống với ngày hôm nay", đôi khi còn gọi là "Nắm bắt khoảnh khắc" hoặc "Nắm bắt thời điểm", theo nghĩa bóng là "Hãy tận hưởng cái phút giây mà ta đang có" hoặc "Đừng bao giờ hoãn lại hạnh phúc hiện tại".

Giờ thì mọi thứ đã được trao vào tay chúng ta, mọi khoảnh khắc đều ở trong tay chúng ta. Nhưng đúng như Osho nói, "Đời sống không phải là ngục tù, không phải là sự trừng phạt. Đời sống là một tặng thưởng, và nó chỉ trao cho ai chắt chiu với nó, cho những ai xứng đáng với nó..."

Bởi vậy: "Nếu lúc bạn chia tay với cuộc đời mà cứ để cuộc đời y nguyên như lúc bạn bước vào, nếu bạn không làm đẹp thêm cho nó, là bạn đã chống lại hiện hữu. Xin bạn hãy để lại cho đời một chút đẹp đẽ, một chút hạnh phúc, một chút hương thơm"...

Nguyễn Anh Thi

----

[1] Bị lừa đổi vé giả, người bán vé số dạo tự vẫn, Tuổi trẻ, 30/09/2014.

[2] Tan nát cả gia đình vì án oan, Người Lao động, 02/10/2014.

Bài cùng tác giả:

Khi các quan né sốc... về hưu

Một vài "quan bác" trước khi về hưu ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm con, cháu trong nhà hay các mối quan hệ vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan.

Phim triệu đô ế khách và chuyện Chánh Tín vỡ nợ

Chánh Tín vay chưa đầy 8 tỷ, phim thất bại thì bị ngân hàng tịch thu nhà cửa, nay số tiền làm bộ phim Sống cùng lịch sử này gần gấp 3 lần số tiền Chánh Tín đã mất!

Huy chương Toán quốc tế: Đằng sau chuyện đi hay ở

Gần đây không chỉ từng người lẻ tẻ ra đi, mà còn có quốc gia thu hút được cả trăm nhà khoa học Việt Nam sang học tập, nghiên cứu và làm việc.

Khi mẹ Nhật, Mỹ và mẹ Việt cho con học vỡ lòng

Cách đánh giá mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Sự thay đổi cần được diễn ra ở cấp độ sâu hơn, đó là thay đổi bản chất của việc dạy và học.