Microsoft và Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT ) vừa tổ chức thành công Diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 (E2VN) tại TP. HCM. Sự kiện kéo dài 2 ngày thu hút hơn 1.000 giáo viên, phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp, lãnh đạo các sở ban ngành tới tham dự cũng như mang đến nhiều giải pháp và ý tưởng xây dựng mô hình giáo dục số tại Việt Nam.
Sau 5 năm phát triển, Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam (MIE) đã trở thành mạng lưới kết nối lớn quy tụ hơn 5.400 giáo viên sáng tạo và 112 chuyên gia giáo dục tâm huyết trên khắp cả nước. Mỗi năm, các thầy cô lại gặp nhau một lần, góp thêm những dự án học tập sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều bài giảng trong số đó đã được đưa vào ngân hàng 5.000 bài giảng E-learning của Bộ GD-ĐT nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy cho giáo viên và học sinh.
Năm nay, E2VN tiếp tục nhận được 832 sản phẩm sáng tạo của các giáo viên đến từ 45 tỉnh thành. Các dự án đa dạng và phong phú về mặt nội dung từ STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược đến bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá dân tộc, giáo dục kĩ năng sống, tình yêu thương bác ái cho học sinh... 50 sản phẩm sáng tạo nhất, đáp ứng 4 tiêu chí “Hợp tác – Sáng tạo – Hòa nhập – Tăng cường tiếng nói học sinh” đã được trưng bày và chia sẻ tại diễn đàn.
Vượt qua 1.000 giáo viên, 3 giáo viên xuất sắc nhất đã giành được tấm vé tham dự Diễn đàn Education Exchange 2020 toàn cầu tổ chức tại Sydney (Australia) ngày 23/3-26/3. Đó là cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh (Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, Hà Nội) với dự án “Liên môn 10X startup”; cô Bùi Diệu Linh (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) với dự án “Hóa mỹ phẩm hữu cơ”; và thầy Phạm Ngọc Đức (Học viện Quản lý Giáo dục, Hà Nội) với dự án “Lớp học trên mây, lớp học kết nối”.
Tại diễn đàn, các giáo viên còn tham dự thử thách nhóm, thể hiện khả năng giải quyết vấn đề và năng lực sư phạm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng. Cụ thể hơn, các nhóm phải thiết kế bài dạy Địa lý, Bảo vệ môi trường, Xử lý rác thải... cho học sinh dựa trên một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2015 - 2030.
Diễn đàn E2VN không chỉ trưng bày các sản phẩm giáo dục chất lượng, mà còn tạo không gian chia sẻ mở và cơ hội cho các giáo viên học hỏi lẫn nhau. Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá, E2VN đã góp phần thay đổi thực trạng cách đây 10 năm khi mà thầy cô thiết kế được một bài giảng PowerPoint để trình diễn, đi thi, đi dạy... thường có thói quen giữ khư khư cho riêng mình. Song nửa thập kỷ qua, E2VN đã góp phần truyền tinh thần chia sẻ và lan tỏa cho các giáo viên, từ đó đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), hiện nay hơn 70% giáo viên đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học, 25% giáo viên tự soạn được bài giảng E-learning giúp học sinh phát triển kỹ năng tự học trên mạng Internet. Thành tựu này có được một phần lớn là nhờ các công cụ miễn phí, phổ biến và sẵn có như Microsoft Office 365 (Word, Powerpoint, Excel, Forms), OneNote, Sway, Skype, Teams, Minecraft…
Công nghệ còn góp phần thay đổi cách thầy giảng, trò học ở các tỉnh thành. Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 3 đơn vị dẫn đầu phong trào đổi mới sáng tạo có số lượng dự án tham gia nhiều nhất. Sở GD-ĐT Thái Nguyên gây ấn tượng với con số cao nhất 229 dự án. Tiếp đến là Sở GD-ĐT TP.HCM với 182 dự án và Sở GD-ĐT Hà Nội với 83 dự án. Ngoài ra, diễn đàn còn nhận được rất nhiều sản phẩm từ các tỉnh vùng sâu vùng xa như Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Nhấn mạnh công nghệ thông tin là yếu tố cốt lõi để đổi mới giáo dục, Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ - Nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng người giáo viên nếu không sử dụng công nghệ hàng ngày sẽ trở nên lạc hậu. Ngày nay, xoá mù công nghệ thông tin cho thầy cô cũng giống như xoá mù chữ cho học sinh thời xưa.
Tham gia diễn đàn, cô Vũ Thị Lệ (lớp 5A6, Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội), người đạt giải nhì E2VN với dự án “Để thêm yêu Hà Nội” chia sẻ: “Đến với diễn đàn, chúng tôi vui mừng khi được gặp gỡ những người đồng nghiệp lúc nào cũng tràn đầy tình yêu nghề. Tuyệt vời hơn là mọi người sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng lan tỏa đam mê sáng tạo của mình trong giáo dục. Chúng tôi đến đó không còn mang tâm lý thi thố nữa, mà là quan sát, khám phá và học hỏi. Dám thay đổi, dám thực hiện những điều mới mẻ, tôi nghĩ chúng tôi đã là những người chiến thắng”.