- Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sắp công diễn lần đầu tiên trên thế giới tác phẩm “Giao hưởng Điểm hẹn” của nhạc sĩ người Pháp gốc Việt- Nguyễn Thiện Đạo.
Kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ Concert” sẽ diễn ra vào hai đêm 7&8/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy chính người Nhật Bản- Honna Tetsuji và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy.
Violinist Bùi Công Duy sẽ trình diễn giao hưởng thơ của Chausson, một tác phẩm được viết trong kỳ nghỉ của nhà soạn nhạc ở Florence, Ý |
Toàn bộ nhạc mục của chương trình có thể nói là đồ sộ và đáng mong chờ. Bao gồm bản giao hưởng lần đầu tiên được trình diễn “Giao hưởng Điểm hẹn” của nhạc sỹ người Pháp gốc Việt- Nguyễn Thiện Đạo, cùng với đó là bản giao hưởng thơ viết cho đàn violin và dàn nhạc “Poeme, Op. 25” của Ernest Chausson. Tác phẩm cuối cùng trong chương trình Hòa nhạc đặc biệt này là bản Giao hưởng số 3 “Giao hưởng Anh hùng” của nhà soạn nhạc vĩ đại L.v. Beethoven.
"Giao hưởng Điểm hẹn" là tác phẩm do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đặt nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo viết cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến tích Điện Biên, dài khoảng 25 phút, gồm 4 chương.
Chương 1. Rồng Tiên: Bộ gõ và dàn dây với những phức điệu âm u, huyền bí đưa một dòng nhạc trữ tình từ đàn vibraphone ngân vang tượng trưng cho sự ra đời của con cháu Lạc hồng. Dàn nhạc từ từ vang dội rồi dàn dây lại trở về phức điệu huyền bí âm u.
Chương 2. Tình ca: Bắt đầu sáo ngân vang một giai điệu trữ tình, tiếp theo dàn violoncello với một câu bi hùng rồi dàn dây quyện nhau kết và bị bộ kèn đồng và bộ gõ cắt đứt.
Chương 3. Thời nô lệ: Dàn dây dày dặc từ trầm lên cao và các đàn khác vào từng khối mầu sắc khác nhau tượng trưng cho sự xâm lăng và thời nô lệ.
Chương 4. Điểm hẹn: Dàn nhạc từ từ dâng lên rồi bay ngang dọc bầu trời để kết thúc trong khải hoàn bằng cụm nốt tonal rê giáng trưởng (ré bémol Majeur ).
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đang chỉ huy dàn nhạc |
Nhạc sỹ người Pháp gốc Việt- Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông đến Pháp năm 1953 và tham gia nhạc viện quốc gia Paris vào năm 1963. Ông tự coi mình là "người thừa kế hai nền văn minh: phương Đông và phương Tây" đồng thời là một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Nguyễn Thiện Đạo đã cố gắng để tạo ra một tổ hợp âm nhạc bằng cách xây dựng âm nhạc dựa trên vi khoảng thời gian, màu sắc âm thanh, cấu trúc nhịp điệu và độ dài thời gian. Ông hy vọng sẽ được xem như tác giả của một loại nhạc "trữ tình và đam mê của một nhân vật anh hùng".
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Thiện Đạo đã giành nhiều giải thưởng danh tiếng như: giải nhất giải thưởng Olivier Messiaen Erasme Fondation của Hà Lan), giải caplet André ( Académie des Beaux-Arts ) của Hàn lâm viện mỹ thuật Pháp, Huân chương kháng chiến, giải thưởng vinh danh nước Việt và các giải thưởng khác. Nhiều tác phẩm của ông đã được trình chiếu ở những địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Champs Elysees, Quảng trường Lille, Liên hoan âm nhạc Avignon, Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Oliver Messien của đài phát thanh Pháp.
Hiện ông đang sở hữu hơn 93 tác phẩm với nhiều thể loại giao hưởng, opera, trong đó hơn 10 tác phẩm được viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã được xuất bản và in ấn bởi 2 nhà sản xuất Jobert và Salabert (Paris). Được biết, vị nhạc sĩ 74 tuổi vừa mới hoàn thành bản Giao hưởng Tiên Du cho Đại dàn nhạc dân tộc và bản Giao hưởng Điểm hẹn (Thiên sử vàng) cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Vân Sam