Người dân trên phố Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) gần như cả tháng nay phải chịu cảnh hứng bụi khi tuyến đường dài khoảng 1km bị đào xới.
Đáng nói, rất nhiều đoạn bị đào xới cùng lúc nhưng quá trình thi công không có giải pháp ngăn bụi, san gạt tạm bợ khiến cả tuyến phố lúc nào cũng mịt mù bụi bẩn.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) cho biết, tại tuyến đường Nguyễn Khánh Toàn hiện đang thi công lưới điện của thành phố.
“Hiện nay đang thi công đường điện từ Nguyễn Khánh Toàn về khu vực quận Ba Đình. Công trình do ban quản lý điện lực TP Hà Nội làm chủ đầu tư, phường đã nhận được giấy phép thi công”, đại diện UBND phường Quan Hoa cho biết.
Bụi mù mịt khiến người dân cảm thấy ngộp thở, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi bụi làm hạn chế tầm nhìn.
Thường xuyên di chuyển qua đây, anh Nguyễn Văn Lịch (ở Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Đi qua đây bụi mù mịt, "mắt nhắm mắt mở", có lần tôi suýt húc đuôi ô tô. Tình trạng này không phải chỉ 1-2 tuần, mà kéo dài cả tháng nay. Giờ đã gần Tết, đào đường làm công trình ngay giữa Thủ đô mà gần như không có biện pháp nào ngăn bụi, để người dân phải hứng chịu”, anh Lịch bức xúc.
Ông Nguyễn Khắc Tiệp, (một bảo vệ làm trên đường Nguyễn Khánh Toàn) cho biết, trên tuyến đường này không chỉ bụi bẩn, mà còn thường xuyên xảy ra tai nạn sau khi thi công sửa đường điện tại đây.
“Một tháng nay đơn vị không thi công, thế nhưng không làm sạch lại tuyến đường, khiến bụi mù mịt. Tôi làm bảo vệ ở đây, ngồi khoảng 1 tiếng là người trắng xóa những hạt bụi, cát bay vào quần áo. Bụi bẩn quần áo thì không sao, nhưng để như thế này mãi ở Thủ đô sao được, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân”, ông Tiệp bức xúc nói.
Không chỉ đường Nguyễn Khánh Toàn bị đào xới gây bụi bẩn, tại một số tuyến hè đường cũng đang bị đào xới thay đá, nhưng đơn vị thi công bỏ mặc đất cát vương vãi khắp nơi.
Theo báo cáo chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường do Bộ TN&MT công bố mới đây, Hà Nội bị xếp thứ 59 trên 63 tỉnh, thành về mức độ hài lòng của người dân với môi trường sống.
Kết quả trên được tổng hợp từ điều tra xã hội học do Mặt trận Tổ quốc của địa phương thực hiện, trong đó đối tượng điều tra gồm 35% nông dân, 25% công nhân, 20% kinh doanh dịch vụ, 20% công chức, hưu trí 20%, và 5% học sinh, sinh viên.
Đây là năm thứ hai Bộ TN&MT thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Căn cứ kết quả này, Bộ TN&MT sẽ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và xử lý các đơn vị vi phạm pháp luật về môi trường.