Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp là thay đổi một thói quen và nhận thức chưa thống nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bằng chuyển đổi số, chúng ta sẽ xóa đi sự mù mờ trong sản xuất nông sản. Chuyển đổi số là hành trình xuyên suốt, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các quốc gia khác”.
Thời gian qua, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; Hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Đơn cử, việc hoàn thành và đưa “Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng” vào khai thác tiếp ngay sau “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi” là minh chứng thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp nhằm thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thời gian tới; nhất là khi Đảng, Nhà nước xác định: Nông nghiệp là ‘trụ đỡ’ của nền kinh tế, là nền tảng, lợi thế quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Đặc biệt, hệ thống tin và Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân, như: theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; Hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác... Còn đối với cơ quan quản lý sẽ trực tiếp chỉ đạo sản xuất một cách nhanh chóng, kịp thời. Tới thời điểm này, Hệ thống cấp và quản lý mã vùng trồng đã được xây dựng trên phiên bản web và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký. Bước đầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn cây thanh long để thí điểm triển khai.
Không thể phủ nhận, việc xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc “Định danh Nông sản Việt”, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Thực tế đã cho thấy, sự kiện triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng là một dấu ấn, bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp để từng bước đổi mới quản lý lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.