Sáng nay (27/11), Học viện Cán bộ TPHCM đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “TPHCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế đầu tàu

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành phố cần nhận diện vai trò, sứ mệnh “Thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố” đã được xác định trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đồng thời, thành phố cần định hướng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

z6074491226510_fc6adf5db0e4f0166c51d869f05d4814.jpg
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: H.V.

Trong khi đó, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM - cho rằng muốn vững bước vào kỷ nguyên mới, TPHCM cần phải có giải pháp đối với các "điểm nghẽn". Bởi vì, một thành phố được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước thì không thể để tồn tại tình trạng "kẹt xe, ngập nước" triền miên, năm này qua năm nọ.

Ông Trực đưa ra 3 vấn đề mà thành phố cần giải quyết, bao gồm: phát triển theo hướng giao thông công cộng; các vấn nạn về ô nhiễm; nhà ở cho người dân.

z6074491202024_dd0adb1f02f44ec435c33da71073d1a0.jpg
TS Trần Du Lịch. Ảnh: H.V.

Còn theo TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, xét về nguồn lực, TPHCM cần chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, nhanh và bền vững. 

Cụ thể hơn, trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của thành phố phải duy trì, cao hơn cả nước 1,2-1,5% thì mới thể hiện được vai trò dẫn dắt theo tinh thần Nghị quyết 31. TPHCM cũng cần thực hiện thành công mô hình cạnh tranh quốc tế về thể chế; nhân lực và hạ tầng phải vượt trội; đi đầu trong chuyển đổi số, kinh tế xanh, giảm phát thải, là địa phương đi nhanh nhất về Net zero. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố phải xây dựng và nâng cao nền công vụ, tinh gọn tổ chức bộ máy, con người… 

TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh từ nay đến 2035, thành phố phải hòa mình vào quá trình hoàn thành đề án đường sắt quốc gia, mở rộng kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cần lựa chọn những chỉ số quan trọng nhất

Với TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố cần lượng hóa và chọn ra những chỉ số quan trọng nhất cho sự phát triển. 

z6074491207204_513c29527bda8eafc19c429dc44aa1f8.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ. Ảnh: H.V.

Cụ thể, theo ông Vũ, trong 5 năm tới, thành phố cần hoàn chỉnh, vận hành hệ thống các đường Vành đai 2, 3 và 4 để tạo ra quỹ đất, không gian đô thị dọc các vành đai; hoàn thiện tuyến metro số 1 và các tuyến tiếp theo nhằm phát triển mô hình TOD (đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng). Đặc biệt, TPHCM phải đạt thu nhập trung bình khoảng 13.000 USD/người/năm, để trở thành địa phương đầu tiên của cả nước đạt chỉ tiêu của các nước phát triển. 

Ông Vũ cũng cho rằng TPHCM cần nhận diện rõ quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số.

“Trong các phát biểu, Tổng Bí thư luôn nhận diện rõ chuyển đổi số không phải là phương tiện mà gần như là công cụ sản xuất mới, tạo ra cuộc cách mạng 4.0, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình” - TS Vũ lưu ý.

Ngan 3.jpg
Ts Trần Hoàng Ngân. Ảnh: H.V.

Còn trao đổi với PV VietNamNet, TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu quốc hội TPHCM) nhìn nhận để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, "TPHCM phải giữ vững tâm thế của một thành phố anh hùng, thành phố duy nhất mang tên Bác Hồ". 

Đặc biệt, TPHCM phải giữ vững tâm thế là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố sáng tạo mới nổi của toàn cầu và là điểm đến du lịch hàng đầu của châu Á. 

TS Ngân cũng đưa quan điểm rằng TPHCM phải phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, hạ tầng liên kết vùng.  

Trong đó, lãnh đạo thành phố phải quyết tâm chuyển đổi nhanh và xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quản trị số… trong thời kỳ cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay.