Hàng dài người chen chân từ sáng sớm tại các cửa hàng vàng, bạc ở Hà Nội và TP.HCM trong ngày Vía Thần Tài vừa qua cho thấy với rất nhiều người dân, vàng vẫn là loại tài sản với giá trị rất cao.

Vàng đã kém hấp dẫn?

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2014 đến nay, vàng đã có xu hướng ổn định và sức hấp dẫn của kim loại quý này đã suy giảm đáng kể.

Từ năm 2014 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50%. Trước đây, trên thị trường có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng mua, bán vàng miếng, đến nay, số lượng này đã giảm xuống chỉ còn khoảng trên 2.200 điểm.

Cũng từ năm 2012, NHNN chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các đơn vị tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường.

Nguyên nhân trực tiếp khiến vàng miếng kém hấp dẫn chính là việc Nghị định 24 có hiệu lực, trong đó quy định chức năng quản lý và can thiệp của nhà nước vào thị trường vàng.

Vàng miếng kém hấp dẫn với thị trường cũng được nhìn thấy từ chính doanh thu của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.

{keywords}
Doanh số vàng miếng của các doanh nghiệp đã giảm mạnh từ năm 2012 đến nay. Ảnh: Tùng Tin.

Từng là mảng kinh doanh "hái ra tiền" với doanh thu nhiều tỷ USD từ gần 10 năm trước, tuy nhiên doanh thu của các doanh nghiệp mua, bán vàng lớn đã giảm đáng kể sau khi Nghị định 24 có hiệu lực.

Năm 2005, chỉ với 10 triệu đồng đã có thể sở hữu một lượng giá vàng miếng. Nhưng những biến động của nền kinh tế thế giới giai đoạn 2007-2009 đã khiến giá vàng trong nước và quốc tế tăng chóng mặt.

Từ mức dưới 10 triệu/lượng năm 2005, sau 7 năm, giá vàng trong nước đã tăng gần 5 lần lên mức trên 47 triệu vào năm 2012. Nhiều năm liên tiếp, giá vàng luôn giữ mức tăng trưởng 2 con số.

Đây cũng được xem là giai đoạn "hoàng kim" của các doanh nghiệp vàng.

Năm 2011, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) từng ghi nhận doanh thu lên tới 111.000 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu từ bán vàng của doanh nghiệp này cũng lên tới trên 72.000 tỷ.

Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, doanh thu của SJC đã giảm rất mạnh. Trong báo cáo tài chính gần nhất, SJC cho biết năm 2017, doanh thu của công ty đạt gần 23.000 tỷ, tăng nhẹ so với năm 2016 nhưng so với giai đoạn 2009-2012, số này vẫn kém rất xa.

Hay như Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), năm 2009, với gần 100 điểm kinh doanh, công ty này đã ghi nhận khoản doanh trên 10.000 tỷ. Những năm sau đó cũng là giai đoạn “sốt vàng” của thị trường, giá vàng liên tục tăng giúp doanh thu của PNJ tăng nhanh lên mức 13.800 tỷ (năm 2010) rồi 18.038 tỷ đồng (năm 2011).

Tuy nhiên, ngay năm 2012 sau đó (thời điểm Nghị định 24 được áp dụng), doanh thu của PNJ đã giảm mạnh chỉ bằng 1/3 so với năm 2011. Đến nay, mức doanh thu trên 18.000 tỷ của năm 2011 vẫn là kỷ lục với PNJ dù hệ thống cửa hàng và quy mô của công ty đã tăng gấp nhiều lần.

{keywords}
Doanh nghiệp vàng làm ăn ra sao?

Nghị định 24 đã khiến sức hấp dẫn của vàng miếng giảm, nhưng cũng khiến thị phần mua, bán vàng tập trung chủ yếu trong tay các doanh nghiệp lớn như SJC, PNJ, DOJI hay Bảo Tín Minh Châu…

Kinh doanh vàng miếng bị quản lý chặt, các doanh nghiệp đã phải chọn cho mình các lối đi khác.

Hầu hết doanh nghiệp đều giảm dần tỷ trọng vàng miếng và nâng tỷ trọng vàng trang sức trong cơ cấu doanh thu của mình.

Thực tế, kinh doanh vàng miếng luôn mang lại doanh thu rất cao nhưng lợi nhuận thu về lại khá thấp. Tỷ suất lợi nhuận gộp của vàng miếng chỉ ở mức dưới 1% tổng doanh thu.

Như SJC, với mảng kinh doanh chủ đạo là vàng miếng, năm 2017 công ty ghi nhận 22.950 tỷ đồng doanh thu. Nhưng giá vốn cao khiến lãi gộp công ty thu về chỉ là 173 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ đạt 0,75%.

Sau khi trừ hết chi phí, SJC thu về mức lợi nhuận sau thuế 81 tỷ, tương đương tỷ suất lãi ròng trên tổng doanh thu năm đạt 0,35%. Vẫn ở mức thấp nhưng hai hệ số này đã cao hơn khá nhiều so với năm 2012 với lần lượt 0,33% lãi gộp và 0,41% lãi ròng trên tổng doanh thu. Điều này cho thấy SJC vẫn đang "hái ra tiền" từ mảng kinh doanh vàng miếng của mình.

Hay như PNJ, dù doanh thu giảm mạnh sau năm 2012 nhưng lợi nhuận công ty thu về hàng năm lại tăng đáng kể.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, cho hay, 2012 là năm công ty đầu tư xí nghiệp sản xuất vàng nữ trang mới với quy mô gấp 3 lần xí nghiệp cũ để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.

Vị nữ chủ tịch cũng lý giải nguyên nhân khiến doanh thu năm 2012 không đạt chỉ tiêu do thu từ vàng miếng giảm mạnh, nhưng hoạt động cốt lõi là vàng trang sức vẫn tăng trưởng nhờ đó giúp công ty duy trì mức lợi nhuận cao.

{keywords}
Kinh doanh trang sức vàng mang lại cho PNJ tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với mức dưới 1%/năm của SJC và DOJI.

Tập trung kinh doanh vàng nữ trang mang lại cho PNJ tỷ suất lãi gộp và lãi ròng rất cao so với vàng miếng.

Giai đoạn 2010-2011, vàng miếng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu PNJ, biên lợi nhuận gộp công khi đó chỉ đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, hệ số này liên tục tăng lên sau năm 2012 và đã lên trên 19% vào năm 2018 vừa qua.

Dù doanh thu cả năm 2018 chưa vượt qua kỷ lục năm 2011, nhưng lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế của PNJ đã vượt mốc nghìn tỷ, đạt 1.206 tỷ đồng. Thậm chí, mức lợi nhuận này còn cao gấp 4 lần so với con số lợi nhuận công ty tạo ra được trong năm 2011.

Với DOJI, việc vẫn tập trung kinh doanh vàng miếng giúp công ty này có doanh thu cao nhất trong các doanh nghiệp buôn vàng trong nước hiện nay.

Trong năm 2017, doanh thu của DOJI lên tới gần 52.000 tỷ, cao hơn cả SJC (22.950 tỷ) và PNJ (11.049 tỷ) gộp lại.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của DOJI chỉ dao động dưới 1%. Cụ thể, năm 2017, với 52.000 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế của DOJI chỉ là 36 tỷ đồng. Thậm chí, đây cũng là kết quả tốt nhất của doanh nghiệp này đạt được trong vài năm gần đây.

Theo số liệu của doanh nghiệp này, năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2017, nhưng con số lợi nhuận cuối cùng vẫn chưa được tiết lộ.

(Theo Zing)