Hơn 10 năm trước, việc tra cứu tuyến xe đều dựa vào bản đồ dán ở trạm hoặc bản đồ giấy khá phức tạp và mất thời gian. Sự cố lỡ chuyến xe, bắt nhầm xe, xuống sai trạm… là chuyện rất bình thường.

Thấu hiểu được những điều đó, có một anh sinh viên năm hai ngành Công nghệ thông tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TP.HCM) đã nhen nhóm ý tưởng tạo nên một ứng dụng giúp người dùng có thể dễ dàng hơn trong việc di chuyển bằng giao thông công cộng.

Chàng trai đó chính là Lê Yên Thanh.

Khi ấy, có lẽ chính Thanh cũng không nghĩ rằng, ý tưởng ngẫu hứng khi còn ngồi trên giảng đường này sẽ được cộng đồng đón nhận và mở ra cho anh một con đường sự nghiệp hoàn toàn mới trong tương lai.

Hành trình đi từ ý tưởng đến hiện thực hóa

Thời điểm đó, chưa có một ứng dụng nào phục vụ cho việc tra cứu thông tin phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam. Vì vậy, việc triển khai sẽ cần đến nhiều sự tư vấn và góp ý của những người có chuyên môn. Với sự hướng dẫn của thầy, anh Thanh cùng hai người bạn bắt đầu viết những dòng code đầu tiên cho BusMap và hoàn thành trong vòng 3 tháng.

 BusMap là một ứng dụng đi xe buýt quen thuộc với người dân tại TP.HCM trong nhiều năm qua. Ảnh: Phenikaa

Ứng dụng nhanh chóng nhận được sự đón nhận và phản hồi tốt từ cộng đồng, đặc biệt là giới sinh viên với số lượt tải tăng lên mỗi ngày đi cùng những phản hồi tích cực. Khi có BusMap, người dùng sẽ dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin về bản đồ, tuyến xe cần lên hay trạm dừng mong muốn ngay trên điện thoại nhanh chóng và chính xác, thay vì dùng bản đồ giấy bất tiện và dễ thất lạc so với trước đây.

Sau đó, kể cả khi nhận được lời mời làm thực tập sinh tại Google, bận rộn với những dự án cá nhân hay công việc mới, anh vẫn tận tâm duy trì BusMap, hoàn toàn miễn phí cho người dùng bằng chính tiền túi của mình.

“Trước khi startup, để duy trì BusMap tôi cần 10-20 triệu đồng mỗi tháng để duy trì máy chủ trong khi sản phẩm là hoàn toàn miễn phí. Trong thời gian đó, tôi đi làm ở các startup khác, lương cũng không quá cao mà vẫn phải duy trì sản phẩm nên tôi thấy khá vất vả…” Thanh chia sẻ.

Đến năm 2019, khi lượt người dùng đạt đến con số hơn 500.000, chi phí máy chủ duy trì mỗi tháng lên đến 30,40 triệu đồng. Anh bắt đầu nghĩ đến việc startup.

“Quả ngọt” sau những khó khăn

Thời điểm quyết định khởi nghiệp, Lê Yên Thanh phải đấu tranh giữa hai lựa chọn. Một, là tiếp tục khởi nghiệp với chính BusMap. Hai, là dừng lại và lựa chọn một sản phẩm khác có nhiều cơ hội thành công hơn. Tuy nhiên, từ bỏ “đứa con tinh thần” tâm huyết của mình không phải là một điều dễ dàng. Hơn nữa, việc ngừng duy trì một ứng dụng hữu ích sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người dùng hiện tại.

Suy đi tính lại, anh quyết định dùng chính BusMap để startup. Vấn đề nan giải đặt ra là, liệu sẽ có nhà đầu tư nào thực sự mặn mà với một sản phẩm công nghệ miễn phí, khách hàng là người đi xe bus, sinh viên?

Và đến cuộc thi Vietnam Startup Contest 2019, may mắn đã mỉm cười với chàng trai đến từ An Giang. Nhờ thành tích quán quân, BusMap đã nhận được sự chú ý của anh Lê Anh Sơn - giám khảo cuộc thi, cũng là người đã kết nối anh với tập đoàn Phenikaa. Qua ba lần trao đổi, tập đoàn quyết định đầu tư 1.5 triệu USD vào startup của Lê Yên Thanh. BusMap sau đó đã đổi tên thành Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS.

Lấy giá trị cộng đồng làm nền tảng cho sự phát triển

Kể về hành trình cùng BusMap - giờ là Phenikaa MaaS, CEO 9x bày tỏ sự trân trọng sâu sắc tới những người cộng sự đã và đang đồng hành cùng anh từ những ngày đầu tiên. Sự thành công của BusMap có được ngày hôm nay, không thể không kể đến những cái tên như Tú - người bạn đại học cùng xây dựng và nâng cấp ứng dụng khi còn ở giảng đường; Bích - CBO Phenikaa MaaS, cũng là người lên kế hoạch về ý tưởng, đi cùng anh trong những cuộc thi. Hay như Tuấn, Tâm, Bảo, Rum, Phước… phụ trách về phát triển sản phẩm.

 Lê Yên Thanh cùng đồng đội BusMap ở những ngày đầu tiên Startup. Ảnh: Phenikaa MaaS

Hiện tại, có người đã có con đường phát triển riêng, có người vẫn đang đóng vai trò là nhân sự cốt lõi tại Phenikaa MaaS. Tuy nhiên, họ đều có điểm chung là những người trẻ giàu năng lực, có đam mê cống hiến và mong muốn tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Với tinh thần đó, Phenikaa MaaS hoạt động với sứ mệnh tạo ra các tác động tích cực cho người dân, doanh nghiệp và xã hội thông qua các giải pháp giao thông thông minh, thúc đẩy “giao thông xanh” cũng như góp phần thay đổi bộ mặt cho giao thông thành phố trong xã hội hiện đại.

Đây cũng chính là giá trị cốt lõi nhất mà Lê Yên Thanh gửi gắm từ những ngày đầu trên hành trình đặc biệt mang tên BusMap  - ứng dụng giao thông công cộng đầu tiên tại Việt Nam, đã thầm lặng đồng hành cùng hàng triệu khách hàng trong suốt 9 năm qua trên mọi nẻo đường, miễn phí, hoàn toàn “vì cộng đồng". Và sẽ luôn như vậy!

Tường An