Đây là ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người dương tính HIV. 

Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 60 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối. Bà đã nhận tim và gan từ người hiến trong một ca phẫu thuật vào mùa xuân năm nay tại Hệ thống Y tế Montefiore ở New York. 

Tiến sĩ Ulrich P. Jorde, Khoa Tim mạch tại Montefiore và là giảng viên tại Đại học Y khoa Albert Einstein. Ông đánh giá quy trình này là một "cột mốc quan trọng trong lịch sử hiến tạng".

Tiến sĩ Jorde cho biết: “Nhờ những tiến bộ y học quan trọng, người nhiễm HIV có thể kiểm soát căn bệnh tốt đến mức giờ đây họ cứu sống những người khác đang sống chung với tình trạng này”.

Theo NBC News, người phụ nữ đã dành 5 tuần để hồi phục trong bệnh viện sau ca mổ kéo dài 4 giờ. Các bác sĩ tại Montefiore vẫn đang theo dõi sức khỏe cho bà. 

Mãi đến năm 2013, Đạo luật Công bằng Chính sách Nội tạng HIV mới cho phép những người sống chung với tình trạng này được hiến tạng của họ cho người nhận cũng bị dương tính HIV. 

Montefiore là một trong 25 trung tâm ở Mỹ đủ điều kiện cung cấp quy trình khi đáp ứng các tiêu chuẩn và kết quả phẫu thuật do Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng đặt ra. 

Tiến sĩ Omar Saeed, bác sĩ tim mạch của nữ bệnh nhân trên, đánh giá: “Đây là một ca phức tạp và là nỗ lực đa ngành của tim mạch, phẫu thuật, thận học, bệnh truyền nhiễm, chăm sóc tích cực và miễn dịch học”.

“Việc này sẽ mở rộng nguồn hiến tặng, đồng nghĩa với việc nhiều người dù có hoặc không nhiễm HIV sẽ được tiếp cận nhanh với cơ hội sống”. 

HIV là loại virus gây tổn hại hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu không được ngăn chặn, HIV sẽ lây nhiễm và làm chết các tế bào miễn dịch, khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Khi đó, bệnh nhân dễ mắc các loại bệnh nhiễm trùng và ung thư. 

HIV truyền qua các chất dịch cơ thể bao gồm máu, tinh dịch, dịch âm đạo và trực tràng, sữa mẹ. Virus này dễ lây lan khi quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu, sử dụng bơm kim tiêm với người mắc. Ngoài ra, mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus cho con trước hoặc trong khi sinh ra hoặc thời gian cho con bú. 

Tỷ lệ tử vong ở người suy tim cao hơn cả ung thư máu và đại trực tràngKhoảng 200 triệu người trên thế giới mắc bệnh suy tim. Khoảng 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm mắc bệnh, cao hơn tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư.