“Tay ngang” đổ trăm triệu USD vào châu Á
Pyn Elite Fund tiền thân là Mutual Fund Elite, được thành lập năm 1999 tại Phần Lan. Quỹ có quy mô không quá lớn nhưng khá nổi tiếng ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Pyn Elite Fund nổi danh cùng với ông Petri Deryng, người đồng sáng lập và quản lý danh mục đầu tư hàng trăm triệu USD.
Quỹ đầu tư này từng gây xôn xao khi nhiều lần đưa ra dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.800 điểm, thậm chí dài hạn lên 2.500 điểm.
Pyn Elite có phong cách đầu tư khá mạo hiểm, với nhiều thành tích ấn tượng, tăng trưởng vài chục phần trăm trong vòng một năm, nhưng cũng có những cú thua lỗ kỷ lục, ngay trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Pyn Elite đầu tư vào chứng khoán châu Á được hơn 23 năm. Số tài sản đổ vào TTCK Việt Nam, nằm trong khoảng 20 doanh nghiệp niêm yết, phần lớn là cổ phiếu của các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Thị trường chứng khoán đầu tiên trong khu vực thu hút PYN Elite là Thái Lan. Quỹ ngoại đến từ Phần Lan bước chân vào xứ chùa vàng năm 1999, khi quốc gia này vừa bước ra khỏi khủng hoảng tài chính năm 1997 và phải thả nổi đồng baht.
Tại đây, Pyn Elite tập trung nắm giữ các cổ phiếu giàu tiềm năng thuộc nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu. Năm 2003, Pyn Elite thậm chí ghi nhận mức sinh lời gấp 3 lần tại thị trường chứng khoán Thái Lan.
Bước ngoặt lớn với Pyn Elite vào năm 2013 khi quyết định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam khi giá cổ phiếu Thái không còn rẻ. Đây cũng là thời kỳ Chứng khoán Việt Nam bắt đầu hồi phục sau nhiều năm khó khăn trước đó.
Dự báo bất ngờ và những cú thua lỗ kỷ lục
Trong vài năm gần đây, Pyn Elite Fund có những dự báo rất tích cực thậm chí được cho là lạc quan hơi quá.
Pyn Elite Fund từng nhiều lần dự báo chỉ số VN-Index sẽ sớm tăng lên 1.800 điểm, thậm chí dài hạn lên 2.500 điểm.
Tuy nhiên, quỹ này đã thua lỗ gần 28,3% trong năm 2022, mức lỗ kỷ lục kể từ khi gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013.
Trong quý IV/2022 khi TTCK Việt lao dốc, ông Petri Deryng tỏ ra rất bối rối và ngạc nhiên trước tình hình hoạt động yếu kém như vậy của thị trường chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu không được định giá quá cao. TTCK Việt Nam đã có những khoảng thời gian khó khăn thời điểm cuối năm 2022, bất chấp kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát vừa phải, đồng VND khi đó cũng giảm, khiến cho Pyn Elite thêm nhiều thách thức.
Trong năm 2022, Pyn Elite Fund ôm lượng lớn cổ phiếu bất động sản. Nhiều cổ phiếu bất động sản trong danh mục của Pyn Elite Fund giảm hàng chục phần trăm như Nhà Khang Điền (KDH), Nam Long Group (NLG),...
Theo đánh giá của Pyn Elite Fund, TTCK chịu áp lực giảm do gặp nhiều thông tin tiêu cực trong năm 2022 như vụ Vạn Thịnh Phát, SCB và sự đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2023 tới nay, Pyn Elite Fund cũng ghi nhận tài sản giảm gần 1%. Riêng trong tháng 2, quỹ của “tay ngang” Petri Deryng lỗ hơn 10,2%.
Mặc dù thua lỗ nhưng giá trị tài sản ròng (NAV) của PYN Elite vẫn tăng mạnh trong gần một thập kỷ vào Việt Nam. Có những năm, PYN ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như các năm 2021 (+42,7%); 2013 (+36,9%); 2020 (31,8%) và 2017 (+21,2%),...
Tới 24/2/2023, giá trị tài sản ròng của Pyn Elite đạt hơn 390 triệu euro, dù giảm rất nhiều so với đỉnh trên 1 tỷ USD hồi đầu năm 2022, nhưng cao hơn nhiều so với mức 150 triệu euro hồi đầu năm 2013.
Thời điểm hiện tại, top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiến 87,3% NAV, gồm Ngân hàng Vietinbank (CTG, 18,5%); Vinhomes (VHM, 14,1%) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Sacombank (STB, 9,7%); Vincom Retail (VRE, 8,8%); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, 8,7%); TPBank (TPB, 7,8%); MBBank (MBB, 6,1%); Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (VEA, 5,5%); VnFinLead (4,1%); HDBank (HDB, 4%) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF là chứng khoán mới được bổ sung trong danh mục của Pyn Elite Fund. Đây là chứng chỉ mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
Niềm tin mãnh liệt vào TTCK Việt
Sau khi lỗ kỷ lục năm 2022, “cá mập” Pyn Elite Fund tiếp tục có cái nhìn tích cực về TTCK Việt Nam. Quỹ ngoại này dự báo VN-Index cán mốc 1.450 điểm năm 2023 (so với mức gần 1.030 điểm vào sáng 28/2).
Hồi cuối năm 2021, Pyn Elite Fund từng dự báo VN-Index sẽ cán mốc 2.500 điểm vào năm 2024. Đây không phải lần đầu tiên Pyn Elite Fund có những dự báo lạc quan vượt xa giá trị hiện tại của thị trường.
Pyn Elite Fund có thời điểm ghi nhận danh mục đầu tư có giá trị gần 900 triệu USD (vào cuối 10/2021).
Niềm tin của Pyn Elite vào chứng khoán Việt dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao, đầu tư nước ngoài vẫn vào đều đặn, cán cân thương mại thặng dư và quỹ này kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, cú sụt giảm mạnh của chứng khoán Việt trong năm 2022 khiến ông Petri Deryng bối rối. Pyn Elite đã không tính toán được trước những bất ổn bên ngoài cùng với các biện pháp nghiêm khắc chấn chỉnh thị trường tài chính Việt Nam.
Dù vậy, nhìn chung ông chủ của Pyn Elite vẫn có cái nhìn tích cực về nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như triển vọng của TTCK. Dòng vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào Việt Nam cùng với khả năng TTCK sớm được nâng hạng có thể giúp cổ phiếu đi lên.
Trong tháng 1/2023, Pyn Elite đã gặt hái nhiều thành công nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng - vốn chiếm áp đảo trong danh mục đầu tư của quỹ này. Trong tháng 1, NAV của quỹ tăng 10,33% so với tháng 12, tương đương tăng thêm hơn 40,8 triệu euro (gần 1.000 tỷ đồng).
Trong quý IV/2022, khi TTCK Việt Nam gặp bão tố và giảm mạnh, Pyn Elite đã táo bạo tăng tỷ lệ nắm giữ nhóm cổ phiếu ngân hàng từ 40% đến gần 50% danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, sự suy giảm trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản cùng với những triển vọng không mấy tích cực trong ngắn hạn, Pyn Elite có thể sẽ đối mặt với khó khăn tới đây.
Dù vậy, với nhà sáng lập Petri Deryng, TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Trong dự báo mới nhất, quỹ này cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dao động từ 5-7% trong vài năm tới. Tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết từ 12% đến 25%.