- "Angel shark" dịch là cá mập thiên thần hay cá nhám dẹt? "Scorpion fish" dịch là cá bọ cạp hay cá mù là? Cho đến nay người làm dịch thuật khoa học tại Việt Nam vẫn còn thấy mông lung về tài liệu chuẩn bởi sách khoa học, sách tham khảo, từ điển... thiếu và cũ. 

Khi công ty sách Đông A cho ra mắt hai cuốn sách tham khảo đồ sộ, "Lịch sử Tự nhiên" và "Atlas giải phẫu cơ thể người" của NXB DK (Anh Quốc) - một trong những NXB hàng đầu thế giới về sách tham khảo và sách minh họa hình ảnh - lại làm dấy lên câu chuyện về dịch thuật khoa học, đọc sách khoa học và phát triển khoa học tại Việt Nam. Câu chuyện thiếu, yếu và cũ cũng không ngoài phạm vi những chia sẻ gần đây về bảng xếp hạng Good Country Index của Simon Anholt hay bài viết "Người Việt giỏi toán: Góc nhìn ‘thật’ từ người trong cuộc".

{keywords}
Tọa đàm về sách khoa học với những quan ngại về vấn đề tụt hậu và lạc hậu khoa học. 

"Không phải chúng ta không có điểm sáng khoa học, nhưng chỉ là những điểm sáng nhỏ. Những tinh hoa tiếng tăm nhất của Việt Nam một thời như giáo sư Trịnh Văn Minh, giáo sư Tôn Thất Tùng... những phát triển của riêng họ cũng chỉ là vài trang nghiên cứu/đóng góp được ghi chung trong một tập sách gồm nhiều nhà khoa học trên thế giới. Khoa học, tri thức thế giới luôn vận động, tiến bộ không ngừng. Nói vậy để thấy rằng việc cập nhật sách khoa học là thước đo tinh thần và sự phát triển của một dân tộc. Lạc hậu về sách là lạc hậu về kiến thức so với nhân loại" - ông Đỗ Hoàng Sơn, người từng tham gia huấn luyện học sinh phổ thông đại diện cho Việt Nam dự thi cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF), đồng thời là giám đốc công ty văn hóa Long Minh chia sẻ. 

Sách là để xóa lạc hậu, vì thế sách phải được cập nhật. "Lịch sử Tự nhiên" và "Atlas giải phẫu cơ thể người" được DK xuất bản vào năm 2010 vừa ra mắt có thể coi là những cuốn bách khoa thư có giá trị hàng đầu. Hiếm có cuốn sách nào chi tiết về chi/bộ và loài, đồng thời lại được trình bày khoa học, đẹp mắt như "Lịch sử tự nhiên". "Atlas giải phẫu cơ thể người" còn ấn tượng hơn nữa. Cuốn sách được minh họa 3D với kiến thức tường tận về cơ thể người này từng đoạt giải Sách vì sức khỏe người tiêu dùng (năm 2011) do Tập san Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AJN) lựa chọn, giải thưởng Sách khoa học nổi bật của Hiệp hội giáo viên khoa học Hoa Kỳ.

{keywords}
"Atlas giải phẫu cơ thể người" và "Lịch sử Tự nhiên" của NXB DK (Anh Quốc)

Nhưng chặng đường 5 năm để cuốn sách ra mắt tại Việt Nam vẫn là dài. Ông Sơn cho biết chúng ta vẫn quá chậm so với Hàn Quốc hay Nhật Bản. "Hồi tháng 9 khi gia đình tôi sang Nhật và vào hiệu sách, tôi thấy sách của DK được dịch sang tiếng Nhật chỉ chậm 1 năm so với thời điểm phát hành bên Mỹ. Điều đó cho thấy đội ngũ dịch thuật của họ dày dặn như thế nào."

Quan niệm của người làm sách tại Việt Nam đang cho rằng sách tham khảo, sách khoa học đồ sộ thì khó bán; nhưng thực tế nếu làm tốt sẽ cho kết quả ngược lại. Một cuốn sách tham khảo đồ sộ và trình bày đẹp mắt khác của DK từng được mua bản quyền tại Việt Nam là "Bách khoa tri thức bằng hình" có độ dày 800 trang đã tái bản lần thứ 4 và bán được tổng cộng hơn 10.000 bản. 

Bởi quan niệm khó bán, khó làm, chạy theo thị hiếu dễ dãi, mảng sách khoa học - từ việc dịch thuật, biên tập đến phát hành hiện nay tại Việt Nam vô cùng trống trải, người muốn thực hành khoa học đều phải tự mày mò trên mạng bằng tiếng Anh, kiến thức chuyên ngành không được phổ biến rộng bằng tiếng Việt.

Ông Nguyễn Việt Long - dịch giả từng tham gia dịch và hiệu đính nhiều ấn phẩm khoa học cho biết: "Mảng sinh vật, phân loại khoa học nước mình rất thiếu. Khi hiệu đính, biên tập, mặc dù đã là những người có chuyên môn nhưng vẫn cảm thấy thiếu hụt không có tài liệu tham khảo, không biết Việt Nam đã có tên chưa, đã phân loại chưa. Ngay cả sách đỏ Việt Nam cũng không được cập nhật về thuật ngữ chuyên môn, trong khi thế giới họ đã thay đổi, thêm mới hoặc không còn sử dụng từ đó nữa". 

{keywords}
Trang trong cuốn "Atlas giải phẫu cơ thể người"

{keywords}
Trang trong cuốn "Lịch sử tự nhiên"

Việc thiếu thốn mảng sách khoa học, sách tham khảo hiện nay, ông Sơn bình luận: "Không ít người thuộc giới trí thức/báo chí hiện nay vẫn tìm hiểu, tra cứu qua wikipedia tiếng Việt, nhưng mức độ khả tín của trang này chưa phải là cao. Ví dụ "angel shark" theo wikipedia là cá mập thiên thần, nhưng theo sách Động vật chí Việt Nam ở viện Hải dương học  thì nó là cá nhám dẹt" (trên wiki, hai tên gọi này chung một loài nhưng không chỉ ra cách gọi thống nhất - PV); hay "scorpion fish" dịch là cá bọ cạp nhưng thực ra là cá mù là; hay "manta ray" dịch là cá đuối manta nhưng cá đó nông dân Việt Nam mình gọi là cá nạng hay cá nạng hải.

Nhiều năm nay, công tác xây dựng thuật ngữ và làm từ điển không được triển khai một cách sâu rộng và nghiêm túc. Chúng ta thiếu từ điển chuyên ngành được cập nhật. Điều đó làm cho hệ thống ngôn ngữ/khái niệm của Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới.

Hãy tưởng tượng về quá trình vận động/lao động của khoa học kỹ thuật/đời sống trên thế giới. Những khái niệm, tri thức mới là những cái mà loài người đã phải lao động để tạo ra nó. Họ viết sách để biến tri thức khám phá thành tri thức phổ thông, dễ hiểu với mọi người, để mọi người có thể giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ mới. Chúng ta đã không tạo ra được tri thức mới thì việc đầu tiên là dịch thuật và chuẩn hóa các ngôn ngữ/khái niệm đó, đưa nó đến được với công chúng. Chuẩn hóa, làm từ điển, cập nhật và phổ biến kiến thức là việc giới tri thức phải làm. Đó là điểm rất cần chú ý trong thời gian tới để hội nhập. Dịch thuật là quá trình giao lưu về văn hóa, khoa học giữa các quốc gia trên thế giới, từ đó bộc lộ ra điểm mạnh/yếu của mỗi quốc gia".

Hồ Hương Giang