Hóa đơn tiền điện lên đến gần triệu đồng/tháng luôn là nỗi ám ảnh của chị Kiều Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhưng, sau khi bỏ thói quen sử dụng điện kiểu cũ trong vòng một tháng, cả nhà cùng tập những thói quen dùng điện khoa học, thật sự bất ngờ khi nhận tờ hóa đơn thông báo tiền điện tháng đó.

Chị Hương chia sẻ, tất cả các thiết bị của gia đình chị đều là thiết bị điện, mùa hè cao điểm hóa đơn tiền điện thường lên đến cả triệu đồng, còn mùa đông hay những tháng thời tiết dễ chịu như hiện tại thì hóa đơn tiền điện nhà chị cũng phải lên đến con số trên nửa triệu, không có tháng nào thấp hơn.

Nhiều người bảo nên thay thế bằng các thiết bị tiết kiệm điện để tiết kiệm một khoản đáng kể tiền điện. Thế nhưng, để thay thế các thiết bị điện cũ trong nhà bằng các thiết bị điện có tính năng tiết kiệm điện thì chị phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, với thu nhập của gia đình chị, cách thay mới là bất khả thi.

{keywords}
Nhiều gia đình có thói quen khi tắt tivi thường chỉ dùng điều khiển tắt và để tivi ở chế độ chờ khiến tivi vẫn tiêu tốn điện năng

Cách đây nửa năm, chị đọc được một bài báo nước ngoài nói về các thói quen sử dụng điện của các gia đình khiến tiêu tốn điện nhiều hơn. Theo đó, khi bấm điều khiển tắt, rất nhiều các thiết bị điện năng thông minh sẽ chuyển sang chế độ chờ và ở chế độ chờ, các thiết bị không tắt hẳn nên vẫn tiêu tốn một lượng điện năng nhất định.

Đọc xong phát hiện thấy đây đúng là tình trạng của gia đình mình, bởi nhiều thiết bị điện trong nhà chị được cắm điện ở chế độ chờ 24/24, từ ngày này qua ngày khác mà không tắt hẳn bao giờ.

Biết được nguyên nhân, chị bắt đầu chiến dịch tiết kiệm điện. Cụ thể, với điều hòa, muốn ra khỏi phòng phải tắt điều hòa trước một tiếng đồng hồ (vì tắt khoảng một tiếng vẫn bảo mát trong phòng, tiết kiệm được một tiếng đồng hồ tiền điện mà điều hòa chạy) để thay thế cho thói quen trước kia cứ ra khỏi phòng mới cầm điều khiển tắt điều hòa.

Mới đầu áp dụng phương pháp này, để tránh mọi người quên, buổi tối đi ngủ phải mở điều hòa thì chị bắt mọi người cài đặt chế độ hẹn giờ. Ví dụ như 6h sáng ngủ dậy thì chỉ hẹn đồng hồ cho điều hòa chạy đến hơn 5h sáng. Còn khi ngồi trong phòng mà không ngủ thì phải căn giờ để tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng 1 tiếng hay ít nhất là 30 phút.

Với thiết bị điện chiếu sáng, thay vì thói quen thắp sáng choang tất cả các bóng đèn điện ở các phòng, kể cả lúc phòng không có người với lý do “10 phút nữa lại quay vào phòng, tắt điện chi cho tốn công” thì bây giờ cứ ra khỏi phòng là phải tắt. Ai quên không tắt bóng đèn điện ở phòng mình, chị bắt chạy lên phòng tắt ngay lập tức.

Phải làm như vậy vì chỉ lãng phí mấy phút, một ngày cộng lại cũng tiêu tốn cả tiếng đồng hồ, một tháng có khi hết mấy chục tiếng thắp điện bỏ không nếu cộng dồn lại.

{keywords}
Tắt bằng điều khiển, rút hẳn phích điện của các thiết bị khi không dùng đến là cách tiết kiệm điện rất hiệu quả

Còn với các thiết bị chạy điện khác như tivi, máy tính, quạt điện… là các thiết bị điện thông minh. Theo chị Liên tìm hiểu, khi dùng điều khiển tắt chúng sẽ chuyển sang chế độ chờ với mục đích khi khởi động lại sẽ nhanh hơn, do đó, chúng vẫn sẽ tốn một lượng điện năng để duy trì. Thế nên, ngoài chuyện tắt bằng điều khiển, chị còn rút hẳn ổ cắm ra để ngắt nguồn điện.

Ngay cả với thiết bị sạc pin điện thoại, ngày trước cứ cắm sẵn tại ổ để tiện sạc, không bao giờ rút cục sạc ra vì nghĩ chúng chỉ là thiết bị điện rất nhỏ, cắm luôn vào ổ 24/24 như vậy sẽ không tốn điện. Bây giờ, chỉ được cắm cục sạc vào ổ điện lúc cần sạc, sạc xong phải rút ra, tránh tiêu tốn điện năng.

Riêng nồi cơm điện, trước hay cắm một bữa ăn cả ngày vì nồi có chế độ ủ nóng, giờ chỉ cắm trước khi ăn cơm 45 phút đồng hồ, cắm bữa nào ăn bữa đó, không để ủ từ bữa này sang bữa khác để tránh tốn điện năng cho việc ủ cơm giữ nhiệt.

Tuy nhiên để từ bỏ thói quen cũ, thực hành thói quen mới, tất cả các thành viên gia đình đã phải nhắc nhau cùng làm quen. Thời kỳ đầu cũng có nhiều khó chịu, nhiều khi phải nhắc nhở cáu gắt nhau. Nhưng, kết quả khá bất ngờ, chỉ cần thay đổi những thói quen tưởng chừng như rất nhỏ, không ảnh hưởng gì, ấy vậy mà hóa đơn điện tháng đó đã giảm được hơn 15%.

Tuy nhiên, theo chị Kiều Liên, lúc đầu mọi người vẫn hay quên, thực hiện chưa triệt để. Sang tháng thứ 2, chị làm mấy cái thông báo nhắc nhở dán ở cửa phòng để nhắc mọi người, tránh tình trạng quên không tắt điện, quên không rút ổ cắm tivi, quên không rút sạc pin điện thoại… Theo đó, hóa đơn tháng tiếp theo tiếp tục giảm hơn 10%. Như vậy, cả gia đình đã giảm được gần 30% tiền điện. Đây quả là một mức tiết kiệm bất ngờ từ một hành động nhỏ mà tất cả các thành viên cùng thống nhất thực hiện.

Lưu Minh