Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số.

Theo Bộ TT&TT, thực tế triển khai chuyển đổi số thời gian qua đã cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng và tham gia; người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân chuyển đổi số, trong đó có sáng kiến thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Với mong muốn nhân rộng các sáng kiến thành công, đầu tháng 3/2022, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các địa phương trên cả nước thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. Hướng dẫn đã xác định mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và các hoạt động triển khai của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. 

Bộ TT&TT nhận định, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng là nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.  

Việc thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội cũng là 1 trong 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Bộ TT&TT đề nghị các địa phương tập trung triển khai trong năm nay.

Theo số liệu thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến ngày 11/5, cả nước đã có 14 tỉnh, thành phố tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, bao gồm: Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Lạng Sơn, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Thanh Hóa và Yên Bái.

Cụ thể, các địa phương này đã thành lập 9.388 Tổ công nghệ số cộng đồng với 44.516 thành viên tham gia. Lạng Sơn và Hưng Yên là 2 địa phương đã hoàn thành việc triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp xã.

Ở góc độ đơn vị trực tiếp triển khai, Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đã có những đóng góp quan trọng vào chuyển đổi số địa phương thời gian qua, nhất là phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 6/5, lực lượng này đã tham gia hỗ trợ phát triển 121.204 cửa hàng số, 10.718 tài khoản người mua, cài đặt được 102.243 tài khoản thanh toán điện tử. Đặc biệt, Lạng Sơn đã hoàn thành sớm chỉ tiêu 50% số hộ gia đình có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử.

Vân Anh